Thursday, January 13, 2011

Nguyễn Lý-Tưởng-Trả Lời “Thư Cám Ơn ” của Bảo Quốc Kiếm


Trả Lời “Thư Cám Ơn ” của Bảo Quốc Kiếm

Nguyễn Lý-Tưởng









Nguyễn Lý-Tưởng



















Bảo Kiếm Quốc hay là Trương Khôi , xưa là Cảnh Sát Quốc Gia
bị Ông Liên Thành đuổi việc . Sau dó trở thành cán bộ Xây Dựng Nông Thôn
Tác giả của Huế ơi Oan Nghiệt và Liên Thành Mắm Tôm được chùa Điều Ngự yểm trợ.
Và Lê Xuân Nhuận đứng sau lưng làm hậu thuẫn. Cuốn Huế Ơi Oan Nghiệt để chống VNCH.

Hà Thúc Ký

(1) Bảo Quốc Kiếm thắc mắc: Tại sao Nguyễn Lý-Tưởng và các nhân vật tên tuổi trong Đảng Đại Việt Cách Mạng không lên tiếng phản bác Vũ Ngự Chiêu?

Bảo Quốc Kiếm biết rõ Ông Hà Thúc Ký và đa số các cấp lãnh đạo Đại Việt Cách Mạng tại Huế-Thừa Thiên không phải là người theo đạo Công Giáo. Tại sao lại trích dẫn sách của Vũ Ngự Chiêu :

Hà Thúc Ký, Đại Việt, Kitô giáo miền Trung?” Bảo Quốc Kiếm nói: “ngay chính ông (tức Nguyễn Lý-Tưởng) là một nhà Sử học (theo Hạnh Dương) ; Tiến sỹ Sử học Lê đình Cai và biết bao nhiêu danh nhân khác trong Đảng đã không lên tiếng phản biện nổi, thì cá nhân tôi sao đủ sức “để không tin” một cuốn sách gọi là Sử?”

Nói như thế có nghĩa là ông hoàn toàn tin vào lời của Vũ Ngự Chiêu!? Ông cho rằng Vũ Ngự Chiêu có học vị tiến sĩ tất nhiên lời Vũ Ngự Chiêu nói ra phải đúng! Chúng tôi không phản biện có nghĩa là chúng tôi đồng ý với Vũ Ngự Chiêu? Một điều hiển nhiên “Ông Hà Thúc Ký theo đạo Phật và là người đối lập với chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm” điều đó đủ để trả lời Vũ Ngự Chiêu rồi. Chúng tôi cần gì phản biện. Ngừơi ta chỉ cười cái anh viết bậy và cười cái anh “trích lại những điều bậy bạ đó” mà thôi. Có ai cười chúng tôi đâu! Ngoài Bảo Quốc Kiếm ra, còn có một người khác (ký tên là Tuệ Chương Hoàng Long Hải) cũng trích lời của Vũ Ngự Chiêu viết về ông Nguyễn Hưũ Độ, Tiến sĩ thời vua Tự Đức, năm 1885 làm Khâm Sai Kinh Lược Bắc Kỳ, sau về Huế thay thế Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, làm Phụ Chính Đại Thần dưới triều vua Đồng Khánh:

Nguyễn Hữu Độ, thuộc một dòng dõi theo đạo Ki-tô từ thời Bá Đa Lộc, được giao chức Kinh Lược Bắc Kỳ, gia phong tước Quận Công, đứng đầu “tứ trụ triều đình”: con gái được cất nhắc lên hàng nhị giai (hoàng qúy phi) của Đồng Khánh, con trai được truy tặng quan tước, một nhà vinh hiển cho tới lúc chết vì ung thư bao tử vào ngày 18/12/1888

(Theo Vũ Ngự Chiêu, “Các Vua Cuối Cùng Nhà Nguyễn”, tập 2, nxb Văn Hoá, trang 480). Viết như thế chỉ để cho thiên hạ chê cười mà thôi. Nhân vật Nguyễn Hữu Độ thời xưa cả nước đều biết. Ở Hà Nội có phố Sinh Từ thờ Nguyễn Hưũ Độ khi còn sống. Con gái là Nguyễn Thị Nhàn là chánh phi (hoàng hậu) của vua Đồng Khánh. Nhà Nguyễn chỉ có Nam Phương hoàng hậu là người theo đạo Công Giáo (Thiên Chúa Giáo) ngoài ra không có chánh phi nào là người theo đạo Công Giáo. Các vua nhà Nguyễn cấm đạo, không cho người có đạo đi thi, không cho làm quan. Nguyễn Hữu Độ thi đậu Tiến sĩ, làm quan dưới triều Tự Đức...chắc chắn không phải là người theo đạo Công Giáo. Con cháu của ông ở Việt Nam và ở ngoại quốc đa số theo Phật giáo. Ngay bà chánh phi của vua Đồng Khánh là Nguyễn Thị Nhàn, con gái Nguyễn Hữu Độ cũng cho xây một chùa nhỏ trong cung để tụng kinh niệm Phật sau khi vua chết. Không ai thèm mất công đi phản biện những người viết bậy như thế. Chắc chắn Bảo Quốc Kiếm cũng biết Vũ Ngự Chiêu viết bậy mà cứ trích vào sách của ông thì điều đó có ý nghĩa gì? Việc Bảo Quốc Kiếm trích dẫn lời của Vũ Ngự Chiêu và lời của Đỗ Mậu...theo chúng tôi hiểu “Đối với Bảo Quốc Kiếm: những gì Vũ Ngự Chiêu và Đỗ Mậu nói ra đều đúng hết!”

(2) Động cơ nào thúc đẩy Bảo Quốc Kiếm gia nhập Đại Việt Cách Mạng?

Bảo Quốc Kiếm tự xác nhận ông là đảng viên Đại Việt Cách Mạng từ 1968 đến 30/4/1975 (uỷ viên Tuyên Huấn Khu Bộ...) Vậy động cơ nào khiến ông gia nhập Đảng Đại Việt Cách Mạng trước 30/4/1975? Ông đã không cùng lập trường tranh đấu với Đại Việt Cách Mạng thì ông tham gia Đảng đó làm chi?

(3) Bảo Quốc Kiếm nói: “Nguyễn Lý-Tưởng là Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Namhoàn toàn sai. Nguyễn Lý-Tưởng chưa bao giờ tham gia tổ chức nầy và cũng chưa bao giờ là chức sắc trong các Ban Đại Diện giáo dân Công Giáo từ cấp giáo xứ (parish) cho đến giáo phận (diocese). Nguyễn Lý-Tưởng là một tín đồ đạo Công Giáo như hàng triệu tín đồ khác. Nhưng với tư cách công dân, đã dấn thân vào các hoạt động trần thế, trong các lãnh vực văn hoá, xã hội, chính trị,v.v. hợp tác với các tín đồ của các tôn giáo khác cùng tranh đấu cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

(4)Bảo Quốc Kiếm nhắc đến vụ “ Mặt Trận Dân Quân Phục Quốc Trị Thiên” ông nói: “tất cả anh hùng đó là người của Đảng, thế mà cho đến nay Đảng đã làm gì để vinh danh họ?”Trước hết, sau ngày 30/4/1975, cá nhân Nguyễn Lý-Tưởng và một số anh em Trung Ương bị tù dưới chế độ Cộng Sản VN, vì hoàn cảnh lúc đó, chúng tôi không biết được các biến cố xảy ra ở ngoài xã hội. Cá nhân Ông Hà Thúc Ký may mắn thoát ra ngoài được, cũng không thể làm cách nào liên lạc được với anh em ở trong nước. Mặt Trận DQPQ/TT mà Bảo Quốc Kiếm đề cập ở trên là một hoạt động bí mật do Cưụ Thiếu Tá Thương phế binh Phan Ngọc Lương và một số bạn bè gồm đủ mọi thành phần tôn giáo, đảng phái (đặc biệt ở Huế và Thừa Thiên lúc đó) tự động đứng lên chống lại Cộng Sản bằng các hoạt động bạo động, có vũ trang...Nghĩa khí của những anh em đó cao ngất trời và sự hy sinh của họ làm xúc động đến mọi giới đồng bào, nhất là anh em thanh niên, sinh viên, học sinh...Và biến cố đó đã đi vào lịch sử, sách vở, báo chí cũng đã đề cập đến. Đã có hàng ngàn người khắp các tỉnh miền Trung đã bị liên hệ trong vụ nầy và đã bị các cơ quan an ninh của CS truy lùng từ Quảng Trị, Huế cho đến Sài Gòn. Vì phải bảo vệ những anh em khác đang thay tên đổi họ, đổi vùng, lẩn tránh khắp nơi nên không ai dám công khai tổ chức các buổi truy điệu để vinh danh họ. Năm 1988, chúng tôi được ra khỏi nhà tù CS và bị bắt lại năm 1992, bị kết tội “hoạt động lật đổ chính quyền...” trong các lần bị hỏi cung, bị bắt buộc khai báo...chúng tôi đều khai “không biết gì về các hoạt động của Mặt Trận nầy vì lý do lúc đó chúng tôi còn ở trong nhà tù...” Năm 1994, sau khi rời khỏi VN và được qua định cư tại Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị (HO), chúng tôi mới được biết: Tại hải ngoại, sau khi được tin có một số anh em đã hy sinh vào năm Mậu Ngọ, 1978, anh em tại Hoa Kỳ đã tổ chức một lễ tưởng niệm rất cảm động có hàng trăm người tham dự. Lúc đó, anh em ở hải ngoại không bao giờ nhân danh Đảng ĐVCM...vì sợ bọn CS lùng bắt anh em dang lẩn trốn trong nước. Năm 1995, lần đầu tiên ĐVCM tổ chức Đại Hội tại Hoa Kỳ, Ông Hà Thúc Ký và Trung Ương ĐVCM cũng đã vinh danh những anh em đã hy sinh. Báo chí và các tài liệu nội bộ của ĐVCM cũng đã viết lại biến cố nầy nhưng không có ai biết một cách đầy đủ và chính xác. Vì lý do bảo mật, ai thuộc bộ phận nào thì biết bộ phận nấy...nên việc cần thiết phải có một tài liệu đầy đủ về vụ nầy rất khó. Mỗi lần sinh hoạt nội bộ, chúng tôi đều có truy điệu và vinh danh tất cả anh em đã hy sinh. Những việc gì của Đảng Đại Việt Cách Mạng làm, chúng tôi không có bổn phận báo cáo cho Bảo Quốc Kiếm biết. Lý do tại sao? Xin ông tự tìm hiểu lấy.

(5)Bảo Quốc Kiếm thắc mắc về con số nạn nhân trong Tết Mậu Thân mà NLT đưa ra?

Trong cuộc hội thảo nhân kỷ niệm 40 năm Mậu Thân (1968-2008) tổ chức tại Việt Nam Center (Trung Tâm Nghiên Cứu về chiến tranh Việt Nam) thuộc thành phố Lubbock, Texas từ ngày 13 đến 15/3/2008, Nguyễn Lý-Tưởng đã phát biểu như sau:

Các nạn nhân bị thảm sát tại Huế và Thừa Thiên được tìm thấy tại trường Tiểu học Gia Hội, chùa Therevada, Bãi Dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng Viện, Khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Đông Ba, trường An Ninh Hạ, trường Văn Chí, Chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa Tường Vân, Đông Gi (Di), Vinh Thái, Vinh Hưng, Khe Đá Mài...Tất cả 23 địa điểm tổng cộng 2326 sọ người. Còn khoảng trên 3000 nạn nhân thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được xác nhân là chết hoặc bị bắt đi thủ tiêu, mất tích...không biết họ đã bị giết và chôn xác ở đâu?!”.

Nhà báo Phạm Phú Thiện Giao (Đài RFA ngày 31/01/2008) trong một bài viết về Mậu Thân đã nhắc lại lời của Nguyễn Lý-Tưởng

“Ngừơi ta đã tìm được 23 địa điểm mồ chôn tập thể tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, đếm được 2326 sọ người. Có khoảng bốn ngàn gia đình ghi tên gia nhập Hội Gia Đình Nạn Nhân Cộng Sản trong Tết Mậu Thân...Người ta ước tính vào khoảng sáu ngàn (6.000) người chết hoặc bị bắt đi mất tích. Có nhà báo ước tính năm ngàn (5.000) người. Chúng tôi cho rằng con số từ năm đến sáu ngàn người là không sai lệch lắm đâu”.

Như vậy, chúng tôi phỏng đoán con số từ năm ngàn (5.000) đến sáu ngàn (6.000). Sở dĩ tôi trích dẫn con số Vennema đưa ra vì tôi cho rằng nhà báo nầy làm việc đúng đắn và đáng tin cậy.Tôi xin xác nhận chúng tôi chưa bao giờ được chính quyền thông báo con số nạn nhân tại Huế và tỉnh Thừa Thiên trong Tết Mậu Thân. Ngay cả Quốc Hội cũng không nhận được thông báo chính thức của chính quyền tỉnh Thừa Thiên về việc nầy. Mãi đến khi sách “Biến Động Miền Trung” ra đời (6/2008), chúng tôi mới biết được con số 5,327 nạn nhân do Liên Thành đưa ra.

(6)Về ông Từ Tôn Kháng, tôi xin xác nhận lại một lần nữa: Tôi có quen biết và đã

từng gặp và nói chuyện với Thiếu Tá Từ Tôn Kháng trứơc ngày bầu cử Tổng Thống 3/9/1967, khi Thiếu Tá Kháng đến thay Thiếu Tá Phùng Ngọc Sa, trong chức vụ Tỉnh Đoàn Trưởng XDNT Thừa Thiên. (Thiếu Tá Từ Tôn Kháng chứ không phải Đại Uý như ông Bảo Quốc Kiếm nói). Tôi cũng quen ông Từ Tôn Dũng (nhà thầu xây dựng) là anh ruột ông Từ Tôn Kháng...Những điều tôi viết về Thiếu Tá Từ Tôn Kháng là đúng và do anh em ruột, bạn bè của Thiếu Tá Kháng kể lại. Những người khác, vì ở xa và cũng có thể nghe đâu đó mà viết lại chứ thực sự không biết rõ về Thiếu Tá Kháng...

(7)Về quyền hạn và nhiệm vụ của Dân Biểu, xin ông Bảo Quốc Kiếm đọc lại Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hoà ban hành ngày 01 tháng 4/1967: Quốc Hội của nước Việt Nam Cộng Hoà và Dân Biểu của nước Việt Nam Cộng Hoà chứ không phải là Dân Biểu của tỉnh Thừa Thiên. Quyền hạn của Dân Biểu hay Nghị Sĩ là lập pháp (làm Luật) và kiểm soát Hành Pháp trong việc thi hành chính sách quốc gia trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Vai trò của Dân Biểu Quốc Hội khác với vai trò của một Nghị viên Hội Đồng tỉnh. Thể thức bầu cử của Thượng Nghị viện là Liên danh và do cử tri toàn quốc bầu. Nghị sĩ đại diện khuynh hướng chính trị trong quốc gia. Thể thức bầu cử Dân Biểu Hạ Nghị viện là đơn danh, theo đơn vị tỉnh hay thị xã. Tỉnh Thừa Thiên là đơn vị bầu cử. Sau khi đắc cử, Nguyễn Lý-Tưởng là Dân Biểu Quốc Hội, quyền hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà không phải chỉ giới hạn trong đơn vị tỉnh Thừa Thiên của mình. Tại địa phương đã có Hội Đồng Tỉnh là cơ quan Tư Vấn cho Tỉnh Trưởng, làm việc với ch1inh quyền địa phương.

(8)Bảo Quốc Kiếm nói :“Ông có biết năm 1966 Đảng ra lệnh cho Phật tử đảng viên đi lật bàn thờ không? Ông có biết Cụ Chủ Tịch đảng và TGM Nguyễn Kim Điền cùng ra Huế để “chứng minh” thành tích đó không?”

Để trả lời, xin ông Bảo Quốc Kiếm hãy đọc sách “Biến Động Miền Trung” của Liên Thành, trang 53:

Ngày 8/6/1966, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Phó Không Quân, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát kiêm Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội, kiêm Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo đến Huế. Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan là Tư Lệnh Hành Quân dẹp loạn Miền Trung. BCH Hành Quân đặt tại Toà Đại Biểu Chính Phủ thuộc quận 3 thành phố Huế” và trang 54, “Tối ngày 15/6/1966, Đại Tá Loan chỉ thị tôi chỉ huy 01 Đại Đội CSDC thuộc Biệt Đoàn 222, bắt đầu giải tỏa bàn thờ Phật tại vùng An Cựu thuộc quận 3...” Trang 55, “Lúc 10:30 đêm 17/6/1966, Đại Tá Loan ra lệnh cho biệt đoàn 222 CSDC rải quân dọc đường Trần Hưng Đạo...Đến 1 giờ 45 khuya, bỗng Đại Tá Loan gọi tôi: Liên Thành đâu! –Tôi đây Đại Tá. –Mày một bên, đại tá một bên, mình khiêng bàn thờ bỏ vào vệ đường. Tôi và Đại Tá Loan vừa đặt bàn thờ vào vệ đường thì lập tức Biệt Đoàn 222 túa ra như ong vỡ tổ, chỉ 10 phút sau không còn một bàn thờ Phật nào trên đường Trần Hưng Đạo.”

Qua dẫn chứng trên, ngừơi chỉ huy cuộc hành quân tại Huế lúc đó là Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan. Thời gian nầy, ông Hà Thúc Ký không có mặt ở Huế. Sau khi tình hình ổn định, ông Hà Thúc Ký mới từ Sài Gòn ra Huế bằng máy bay dân sự (Hàng Không Việt Nam) (xin đọc lại Hồi Ký “Sống Còn với Dân Tộc” tác giả Hà Thúc Ký...trang: 283

Trong những ngày xảy ra các biến cố nói trên, Nguyễn Lý-Tưởng có mặt tại Huế và theo dõi tình hình. Có lần NLT cùng mấy người bạn đi bộ trên đường Trần Hưng Đạo, trứơc mặt Ty Thông Tin Huế, cạnh cầu Trường Tiền. Khi thấy bàn thờ Phật được khiêng ra giữa đường, mấy người bạn, cũng thuộc gia đình Phật tử ở Huế, đã thốt lên:

Bàn thờ là tượng trưng cho niềm tin tôn giáo, bàn thờ được đặt nơi tôn nghiêm như đình, chùa, nhà thờ hay ở chỗ tôn kính nhất trong gia đình. Làm như thế nầy thì còn gì là cao qúy nữa!” Một người khác lại nói: “Đường phố hay đường quốc lộ là của Nhà Nước, của Dân, để cho mọi người đi lại. Khi có chuyện cấp bách, xe cứu thương chở bệnh nhân, xe quân đội chở lính...không có đường mà chạy! Làm như thế nầy thì còn gì là luật pháp quốc gia nữa! Loạn quá rồi!”Lúc đó, tôi chỉ im lặng và cảm thấy đau xót cho hoàn cảnh đất nước mình! “Tôn giáo là phần cao nhất trong sinh hoạt tinh thần của con người. Con người đi từ ăn ở, giải trí, văn chương, nghệ thuật, triết học, chính trị...và cao hơn tất cả các thứ đó là TÔN GIÁO. Khi con người đã đi vào tôn giáo thì xem thường các lãnh vực khác. Ngay cả đến mạng sống, họ cũng sẵn sàng hy sinh vì NIỀM TIN của mình! Và tất nhiên Niềm Tin tôn giáo cũng có thể bị lợi dụng cho các mục đích khác ngoài phạm vi tôn giáo!”

Trong sách hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc”, ông Hà Thúc Ký, tác giả, đã kể lại ông tình cờ gặp Đức TGM Nguyễn Kim Điền trên chuyến bay từ Sài Gòn ra Huế. Ông nói:

“Thật là một vị chân tu”và “Khi máy bay đến Huế, Đức Cha được các tín đồ đưa xe Mercedes đến rước. Tôi thì có hai xe jeep của anh em Xây Dựng Nông Thôn đón. Tuy tình hình tạm ổn định, con đường từ sân bay Phù Bài về Huế còn ngổn ngang bàn thờ Phật chưa thu dọn. Đường không một bóng người, quang cảnh chung quanh phi trường thật là hoang vắng. Lúc đem xe từ Huế về Phù Bài đón Đức Cha, người lái xe phải men theo lề đường mà chạy, đã chậm lại vất vả. Bây giờ lái xe trở về, người bên xe Đức Cha ngần ngại không dám chạy trên lòng đường, vì không dám động đến bàn thờ, ngại gây ra va chạm giữa Công Giáo và Phật Giáo. Tôi ngỏ lời với Đức Cha để xe chúng tôi đi trước dẫn đường. Xe chúng tôi chạy tới đâu, dọn dẹp tới đó, khiêng bàn thờ qua bên lề đường để mở lối cho xe chạy, và cứ thế chạy về tới Huế. Cũng vì vụ dọn dẹp nầy mà một số Phật tử hiểu lầm lên án tôi là chống Phật Giáo.” (trang 283) Và ông đã trích lại lời của Thiền sư Nhất Hạnh trong sách “Nẻo Về Của Ý” trang 15 như sau: “Tổ chức Phật Giáo thủ cựu, chia rẽ...” và trang 196 có đoạn: “Những người tăng sĩ Phật Giáo, choáng ngợp bởi thái độ khâm phục và mến chuộng của quần chúng đối với đạo Phật đã trở nên tự thị, tự mãn đáng ghét. Thật là một hiểm hoạ cho đạo Phật. Một cuộc Pháp nạn thứ hai đang khởi đầu mà ít ai hay biết đến. Người trí thức, người thanh niên sau khi khám phá ra tiềm lực đạo Phật trong quần chúng, đã tìm tới những vị tăng sĩ và đã thất vọng...Một số đông đảo những người có tham vọng, những người theo cơ hội chủ nghĩa, đã đến tràn ngập tự viện và bao quanh những nhà lãnh đạo Phật Giáo. Sự có mặt của họ, chung quanh các thầy, đã khiến những người trí thức và những người có lòng đặt những câu hỏi...”

Tiếp theo đó, ông Hà Thúc Ký viết:

Tôi đã nói ở một phần trứơc rằng thông thường sau một cuộc cách mạng hay một cuộc đảo chánh thì xảy ra tệ nạn kiêu binh, kiêu tướng, riêng ở nước ta còn thêm tệ nạn kiêu căng của tu sĩ. Như vậy, nhận xét của tôi không có gì quá đáng so với sự phê phán của một Thiền Sư Phật Giáo như đã nêu trên.”

Bảo Quốc Kiếm đã viết “Đảng ra lệnh cho Phật tử đảng viên “đi lật bàn thờ”...ba chữ “lật bàn thờ” có ý nghĩa rất khác xa với “dời bàn thờ qua bên lề đường để trống đường cho xe chạy”...Cách dùng chữ của Bảo Quốc Kiếm có dụng ý rất thâm độc! “Lật bàn thờ” nghĩa là đem tượng Phật đổ ra giữa đường. Còn “dời bàn thờ qua bên lề đường” nghĩa là mang bàn thờ từ giữa đường qua bên lề để có đường cho xe chạy. Một người được gọi là “Phật tử chân chính” mà lại sử dụng lối tuyên truyền xuyên tạc như vậy được sao? Bảo Quốc Kiếm còn nói:

Ông có biết Cụ Chủ Tịch Đảng và TGM Nguyễn Kim Điền cùng ra Huế để “chứng minh” thành tích đó không?”

Danh từ “chứng minh” trong Phật giáo khác với danh từ “chứng minh” trong sách vở. (Ví dụ: chứng minh một bài toán hình học...chứng minh một sự thật...chứng minh điều đó là đúng...) Danh từ “chứng minh” trong Phật Giáo được dùng trong trường hợp “một Nhà Sư chứng minh cho lòng thành của Phật tử” làm chứng cho lòng thành của người đó...Trên cùng một chuyến máy bay (hay cùng một chuyến xe, chuyến tàu, trên cùng một chiếc thuyền...) mỗi người có một mục đích riêng. Trứơc Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Lý-Tưởng đi từ Sài Gòn ra Huế, ngồi bên cạnh Thượng Tọa Thích Đôn Hậu trên cùng một chuyến máy bay. Điều đó không có nghĩa là hai người cùng chung một công việc, cùng chung một mục đích. Việc ông Hà Thúc Ký và TGM Nguyễn Kim Điền từ Sài Gòn ra Huế trên cùng một chuyến bay không có liên quan gì với nhau. Nhưng dưới con mắt của Bảo Quốc Kiếm thì có vấn đề! Cái thâm ý nầy chỉ có Bảo Quốc Kiếm mới hiểu được lòng mình! Bảo Quốc Kiếm đã “tuyên thệ” cho Linh Mục Bửu Đồng (bị VC giết trong Tết Mậu Thân) vào Đảng Cần Lao vì LM Bưủ Đồng là một tu sĩ Công Giáo? vì Giám Mục Ngô Đình Thục là người tổ chức Trung Tâm Nhân Vị tại Vĩnh Long? Chủ nghĩa Nhân Vị, lý thuyết Nhân Vị của một triết gia người Pháp và Đảng Cần Lao Nhân Vị của anh em ông Diệm hoàn toàn khác nhau. Một bên là chủ nghĩa (lý thuyết chính trị), một bên là Đảng (tổ chức chính trị). Rõ ràng là khác nhau. Nhưng đối với Bảo Quốc Kiếm: Công Giáo là Cần Lao. Linh Mục Công Giáo là đảng viên Cần Lao !!! Vậy những người “không Công Giáo” như Đỗ Mậu, Tôn Thất Đính, Nguyễn Văn Đẳng, Hồ Đắc Khương, Lê Khắc Duyệt..thì không phải là đảng viên Cần Lao sao? Dưới chế độ của TT Ngô Đình Diệm, những ngừơi nầy vào đảng Cần Lao, được tín nhiệm, được giữ các chức vụ quan trọng về Hành Chánh, Quân Sự, An Ninh, Cảnh Sát..lại không có trách nhiệm gì về chế độ của TT Ngô Đình Diệm hay sao? Vì không phải là người theo đạo Công Giáo nên cái đảng tịch “Cần Lao” của họ đã không được nhắc đến. Trái lại, đối với những không phải là đảng viên Cần Lao nhưng là người theo đạo Công Giáo thì được gọi là “Cần Lao” và phải chịu trách nhiệm về những gì chính quyền của TT Ngô Đình Diệm làm, hay những gì đảng cần lao làm dù người đó là một tu sĩ như LM Bưủ Đ2ông cũng bị gọi là “Cần lao Bưủ Đồng”. Ăn nói kiểu đó có phải là “kỳ thị tôn giáo hay không”? Những người Công Giáo đối lập với chế độ của TT Ngô Đình Diệm, bị tù như các ông Trần Điền, Nguyễn Văn Mân, Hoàng Xuân Tưủ...cũng bị Bảo Quốc Kiếm cho tuyên thệ vào đảng Cần Lao hết...chỉ vì họ theo đạo Công Giáo!

Phật tử ở Huế đều biết rõ nội dung bài phát biểu của TGM Nguyễ Kim Điền ngày 19/4/1977 trong buổi họp do Mặt Trận Tổ Quốc Bình Trị Thiên và Thành phố Huế tổ chức mục đích “học tập” nhân vụ chính quyền CS bắt giữ 6 nhà sư của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại TP Hồ Chí Minh. Không một nhà sư nào có mặt trong buổi họp dám lên tiếng bênh vực cho Phật Giáo, duy nhất chỉ có TGM Nguyễn Kim Điền dám nói:

Vấn đề quảng bá tin tức, cắt nghĩa lý do là nhiệm vụ của chính phủ. Tôi chỉ muốn san sẻ với các vị lãnh đạo Phật Giáo những kinh nghiệm mà trứơc đây chúng tôi đã phải chịu trong vụ Vinh Sơn. Chúng tôi chắc chắn là không có ai trong buổi họp có thể chấp nhận hành động được diễn tả trong thông cáo của chính phủ. Sự kiện mà chính phủ vừa giải thích và trình bày cho chúng ta nghe là một sự kiện đơn độc. Nhiều chuyện như vậy đã xảy ra và còn sẽ xảy ra trong tương lai, nếu chúng ta không giải quyết nguyên nhân căn bản của nó. Theo thiển kiến của chúng tôi, nếu thực ra có những cộng đồng tôn giáo gây rối loạn chăng nữa, chỉ vì không có tự do tín ngưỡng. Thẳng thắn mà nói, tôi không thỏa mãn với chính phủ về chánh sách tự do tín ngưỡng” (Xin xem tài liệu số (1) trong phần Phụ Lục).

Lời phát biểu nầy đã được bên Phật Giáo bí mật chuyển vào Sài Gòn và đã được phổ biến khắp nơi. Chiều tối ngày 12/6/1988, quan tài của TGM Nguyễn Kim Điền được đưa về nhà thờ Chánh Toà Phủ Cam Huế...con số giáo dân Công Giáo tại Huế và vùng phụ cận lúc đó vào khoảng 10.000 người. Nhưng theo tin của RFA thì số người hiện diện vào tối 12/6/1988 và nhất là vào ngày lễ an táng 15/6/1988 lên đến 60.000 người. Người ta ước tính đã có trên 50.000 Phật tử đến với TGM Nguyễn Kim Điền để từ giã ngài. Một Phật tử đã đọc một bài thơ tiễn biệt trước quan tài của ngài (xem Tài liệu số (2) phần Phụ Lục). Ấy thế mà dưới ngòi bút của Bảo Quốc Kiếm thì TGM Nguyễn Kim Điền từ Sài Gòn ra Huế cùng chuyến bay với ông Hà Thúc Ký là “để chứng minh thành tích đó” (thành tích “lật bàn thờ” Phật...)

(9)Bảo Quốc Kiếm nói: “Trong tất cả tôn giáo có mặt tại Việt Nam, thì đạo Kitô không phải là một tôn giáo thuần túy. Giáo hội Hoàn vũ La mã, chính là Chính quyền Hoàn vũ La mã (Roman Catholic Church = State of Vatican). Và cũng từ đó “thánh kinh” của đạo Kitô chính là “sách lược” toàn cầu của Chính quyền Vatican; “con chiên” của Giáo hội Hoàn vũ, lại cũng là “công dân” của chính quyền Hoàn vũ Vatican”.

Xin ông Bảo Quốc Kiếm cho biết : Theo ông, một tôn giáo thuần túy gồm có những điều kiện nào? Ông nên định nghĩa trứơc khi khẳng định “Đạo Kitô không phải là một tôn giáo thuần tuý”. Và ông biết gì về “ Stae of Vatican” (Quốc gia Vatican)?

Trong Kinh Thánh Tân Ước, Đức Chúa Giêsu đã trả lời Quan Tổng Trấn Philato của đế quốc La Mã, khi ông ta hỏi ngài: “Người ta cáo buộc “Ông tự xưng là vua” Vậy Ông có phải là vua không?” Đức Chúa Giêsu trả lời: “Vâng, chính tôi là vua! Nhưng nước của tôi không thuộc về thế gian nầy!” Câu nói đó đủ trả lời cho mọi người rồi. Chúng tôi không cần phải biện luận thêm làm gì. Vấn đề “State of Vatican” (Quốc gia Vatican) là vấn đề thuộc lịch sử. Nếu Bảo Quốc Kiếm không biết lịch sử thì không thể hiểu “Quốc Gia Vatican là gì?”. Vì uy tín của Giáo Hoàng tại La Mã (Roma) nên các quốc gia Âu Châu trong thế kỷ 19 không muốn cho Giáo Hoàng phải lệ thuộc vào nước Ý như là một công dân của nước Ý. Do đó, các nước Âu Châu (mà đa số là Thiên Chúa Giáo) đã vận động với nước Ý cắt đất thuộc Vatican (khoảng 01 cây số vuông) gồm có Đền thờ Thánh Phêrô và các cơ quan của Toà Thánh dưới sự lãnh đạo của Giáo Hoàng trở thành một quốc gia độc lập. Tất cả những người làm việc trong phạm vi Toà Thánh Vatican đều là công dân của Vatican. Không phải những người theo đạo Công Giáo trên thế giới đều là công dân của Vatican như Bảo Quốc Kiếm nói. Tổ chức Công Giáo là một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Vatican. Các tôn giáo khác không thuộc Vatican nhưng tin vào Giáo Lý của Đức Chúa Giêsu (Kinh Thánh Tân Ước) thì gọi chung là Christian (Kitô hưũ) như các tổ chức Tin Lành, Chính Thống giáo, v.v...Số người theo đạo Công Giáo trên thế giới hơn 1/3 nhân loại (chưa kể các tổ chức Kitô giáo ngoài Công Giáo như Chính Thống Giáo, Anh Giáo và các phái Tin Lành...) Như đã nói trên: Tôn giáo là phần cao nhất trong sinh hoạt tinh thần của con người. Tôn giáo dựa trên Niềm Tin của con người vào Đấng Tối Cao...Niềm Tin đó là sự gặp gỡ giữa Con Người và Đấng Tối Cao. Không thể dùng Khoa học hay Triết học để chứng minh về Tôn Giáo là đúng hay sai. Đối với đạo Công Giáo (hay Thiên Chuá Giáo) không phải do Con Người đi tìm mà gặp được Thiên Chuá. Nhưng chính là do Thiên Chuá mạc khải cho Con Người qua Kinh Thánh (mạc khai: tỏ ra cho biết). Khi thành lập đạo, Đức Chúa Giêsu đã chọn 12 học trò là những ngừơi dốt nát, quê mùa, không biết chữ (chỉ có 01 hay 02 người biết chữ) và cho họ biết trước họ sẽ bị đàn áp, bắt bớ, giết hại...Người thành lập Đạo là Đức Chúa Giêsu đã chịu khổ hình và chiụ chết. Ngài đã chết để làm chứng cho giáo lý của mình là Chân Lý. Các học trò của ngài cũng đã chiụ khổ hình và chiụ chết để làm chứng về Thầy của mình và Giáo Lý do Thầy Giêsu truyền dạy. Đế quốc La Mã chủ trương tiêu diệt Đạo nầy suốt 300 năm. Nhưng cuối cùng, Đạo nầy đã chinh phục được toàn bộ đế quốc La Mã! Trải qua hơn 2.000 năm, thời đại nào Đạo nầy cũng bị đàn áp, chống đối và đả kích. Nhưng Đạo vẫn tồn tại và phát triển. Ở Việt Nam từ thế kỷ 16, 17 đến nay...Đạo nầy cũng bị đàn áp, bị cấm, bị tiêu diệt...nhưng Đạo vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Những điều Bảo Quốc Kiếm nhận định về đạo Công Giáo chứng tỏ ông không hiểu biết gì về Đạo nầy. Đối với một người không biết gì mà cho rằng không ai hiểu biết bằng mình thì chúng tôi không dám tranh luận. Hơn nữa, chúng tôi nghĩ rằng trình độ của chúng tôi không bằng ông nên càng không dám tranh luận.

(10) Bảo Quốc Kiếm đòi hỏi Nguyễn Lý-Tưởng phải trả lời “Cụ Phan Đình Phùng, Phong Trào Văn Thân là gì?”

NLT trả lời: Cụ Phan Đình Phùng là một người yêu nước, chống Pháp, chống quân xâm lược đến cướp nước ta. Phong Trào Văn Thân do Cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo (giới hạn trong phạm vi vùng núi Hà Tĩnh) khác với các Phong Trào Văn Thân do các trí thức Nho sĩ khác ở các địa phương lãnh đạo. Trong hoàn cảnh nước Việt Nam vào hậu bán thế kỷ 19, nhất là từ khi Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ trương chống Pháp thất bại vào đêm 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885, phải đưa vua Hàm Nghi ra khỏi Kinh thành Huế, ban hịch Cần Vương, chủ trương “bình Tây, sát Tả” (chống Pháp và giết tà đạo tức giết những người theo đạo Công Giáo)...Những Nho sĩ trí thức đã nhân danh lòng yêu nước, tập hợp một số người, tự võ trang, kéo nhau đi giết hại dân quê vô tội (vì theo đạo Công Giáo mà bị tàn sát một cách dã man, có nơi trong một ngày mà có hàng ngàn người bị giết tập thể, những di tích đó ngày nay vẫn còn). Thành tích “bình Tây” chưa có mà thành tích “sát Tả” đã quá dã man rồi! Chế độ quân chủ nhà Nguyễn và Nho sĩ thời đó, tin tưởng tuyệt đối vào tư tưởng Khổng Tử và Nho học, rồi bài xích các tôn giáo khác. Tinh thần yêu nước cực đoan đã đưa đến chia rẽ trong dân tộc, trong đồng bào với nhau. Nếu đứng vào hoàn cảnh chúng ta ngày nay mà nhìn thì quan niệm độc quyền yêu nước, độc tôn về tín ngưỡng là vi phạm quyền tự do của con người. Trên đời nầy có 02 điều quan trọng là “mạng sống và niềm tin Tôn Giáo của con người”. Ngừơi dân trong nước bị cướp mất hai điều đó thì thử hỏi họ phải theo ai? Vua quan giết hại dân, không tôn trọng tính mạng, tài sản của dân; không tôn trọng tự do tín ngưỡng của dân! Làm như vậy có được dân ủng hộ không?

Tại Việt Nam, từ khi Đảng Cộng Sản VN lên nắm chính quyền (8/1945) và nhất là từ 30/4/1975 đến nay, đã cho xuất bản nhiều sách sử, công bố nhiều tài liệu với quan điểm của họ, mục đích đề cao cuộc kháng chiến mà họ cho rằng do họ lãnh đạo thành công. Họ đã nhân danh lòng yêu nứơc để thiết lập một chế độ độc tài, độc quyền yêu nước, loại trừ những người quốc gia, giết hại những người vô tội, không chấp nhận tôn giáo, ngoại trừ chủ nghĩa Cộng Sản (cũng được xem là một thứ tôn giáo của họ). Sau ngày 30/4/1975, những người bỏ nước ra đi, hy vọng có được một cuộc sống bình yên, được tự do không bị áp bức bất công hay tù đày dứơi chế độ Cộng Sản. Cũng không ít người vì muốn được tự do về tôn giáo mà bỏ nước ra đi. Cộng Sản đã lên án những ngừơi nầy là “không yêu nước, chạy theo đế quốc, phản bội tổ quốc, phản bội đồng bào”. Sau mấy chục năm, ngày nay những người bỏ nước ra đi như chúng ta có còn bị lên án như thế nữa không? Tự bản thân, chúng ta có chấp nhận bị lên án như thế hay không?

Bảo Quốc Kiếm nói tôi “chống đối” ông. Việc gì mà tôi phải “chống đối” chẳng qua vì lời lẽ của ông (trong sách Huế Ơi! Oan Nghiệt!”...) quá bất công đối với tôi và đối với Ông Hà Thúc Ký, lãnh tụ đảng Đại Việt Cách Mạng...nên tôi phải trình bày một đôi điều với ông. Ông đã in thành sách, đã phát hành sách nhiều nơi...Tôi không có điều kiện như ông nên tôi phải gửi qua internet, ai nhận được thì phổ biến giúp. Chính tôi đã gửi email cho ông. Tại sao ông lại nhắc đến ông Matthew Trần nào đó...Tôi không quen biết ông nầy. Ông nói với tôi: “ông đừng hòng dùng uy quyền Đảng và Tôn giáo để bịt miệng tôi”. Đảng Đại Việt Cách Mạng ngày xưa chứ bây giờ còn có uy quyền gì? mà dù có uy quyền đi nữa cũng không bịt được miệng ông đâu! Ở Mỹ là nơi ông có quyền tự do ngôn luận mà! Còn Tôn Giáo của tôi dạy yêu thương và tha thứ nên cũng không ai dám bịt miệng ông đâu! Xin ông cứ yên tâm, muốn nói bao nhiêu thì nói, muốn viết bao nhiêu thì viết.

Bảo Quốc Kiếm nhắc đến Trần Tiễn San “cháu gọi Cụ Hà bằng cậu ruột” là người đã ủng hộ Liên Thành...Bà con họ hàng của ông Hà Thúc Ký có đến cả trăm, cả ngàn người. Mỗi người có quyền tự do của họ, nhà ai nấy ở, việc ai nấy làm, tại sao phải đem Trần Tiễn San mà ghép với ông Hà Thúc Ký? Cũng như nói NLT là anh em chú bác ruột với TGM làm như vậy với âm mưu gì? Phải chăng muốn nói cho thiên hạ biết “Nguyễn Lý-Tưởng là người Công Giáo” phải xa lánh anh ta? Nói kiểu đó có phải là “kỳ thị tôn giáo” hay không?

Tôi xin châm dứt ở đây. Xin để cho dư luận phán xét.

Westminster, CA ngày 10 tháng 01 năm 2011.

Nguyễn Lý-Tưởng

*

* *

Phần Phụ Lục:

Tài liệu (1) “Phát Biểu của Đức TGM Nguyễn Kim Điền tại Đại Hội Mặt Trận Tổ Quốc Bình Trị Thiên (Huế) 19/4/1977”

(để mọi người hiểu được tinh thần “đoàn kết tôn giáo”của ngài)

“Tôi vừa được nghe vụ bắt bớ 6 vị lãnh đạo Phật Giáo qua tin tức mà Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Huế và Đại Diện Mặt Trận vừa cho hay ngày hôm qua. Tôi cũng vừa nghe ông Trần Văn Long, đại diện chính phủ tại TP Hồ Chí Minh cho biết là chính quyền đã áp dụng biện pháp mạnh đối với Phật Giáo, tôi cũng vừa nghe ý kiến của những vị tham dự buổi họp hôm nay phát biểu chuyện vừa xảy ra và theo ý kiến của những vị này, chúng ta có bổn phận phải làm sáng tỏ vấn đề cho nhân dân. Trong khi đó, Thượng Tọa Thích Thanh Trí, đại diện Phật Giáo tại Huế yêu cầu chính phủ đối đãi tử tế với những vị lãnh đạo Phật Giáo bị bắt, và theo ý kiến của Thượng Tọa Thích Thanh Trí thì lý do chánh phủ bắt các nhà lãnh đạo Phật Giáo không nên quảng bá ra dân chúng làm gì, với những người họp mặt ngày hôm nay là đủ lắm rồi. Cá nhân tôi, không có ý kiến gì, cả vấn đề quảng bá tin tức, cắt nghĩa lý do là nhiệm vụ của chính phủ. Tôi chỉ muốn san sẻ với các vị lãnh đạo Phật Giáo những kinh nghiệm mà trước đây chúng tôi phải chịu trong vụ Vinh Sơn (chính quyền đã bố ráp nhà thờ Vinh Sơn tại TP/HCM và một số tu sĩ Công Giáo cũng như tín đồ đã bị bắt, bị buộc tội là chống chính phủ). Chúng tôi chắc chắn là không ai trong buổi họp này có thể chấp nhận hành động của chính phủ được diễn tả trong bản thông cáo của chính phủ. Chúng ta không thể không đau khổ khi những việc như vậy xảy ra cho những người có tín ngưỡng. Làm thế nào để diễn tả tâm trạng của chúng ta. Chỉ có những người nào đã trải qua những kinh nghiệm tương tự mới có thể biết được sự đau khổ như thế nào. Sự kiện mà chính phủ vừa giải thích, trình bày cho chúng ta nghe, chỉ là một sự kiện đơn độc. Nhiều chuyện như vậy đã xảy ra và còn sẽ xảy ra trong tương lai, nếu chúng ta không giải quyết nguyên nhân căn bản của nó. Theo thiển kiến của chúng tôi, nếu thực ra có những cộng đồng tôn giáo gây rối loạn chăng nữa, chỉ vì không có tự do tín ngưỡng. Thẳng thắn mà nói, tôi không thỏa mãn với chính phủ về chính sách tự do tín ngưỡng. Chính phủ đã nhiều lần nói: “Nếu có những gì làm chúng ta không thỏa mãn, nên báo cáo với chính quyền chứ đừng có quảng bá giữa quần chúng”. Do đó, ngày hôm nay tôi muốn, với tất cả thành tâm thiện chí và hy vọng với thiện chí này, Mặt Trận Tổ Quốc sẽ không gán cho tôi nhãn hiệu “phản động”. Tôi ghét và sợ danh từ này lắm và không bao giờ muốn gánh nó vào người. Tôi muốn nói đến hai điều này thôi. Một, tự do tín ngưỡng và hai, quyền công dân bình đẳng.

Hồ Chủ Tịch có dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thắng lợi, thắng lợi, đại thắng lợi”. Đây là thật và lời dạy này là trí tuệ sáng suốt. Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể đạt được đoàn kết? Dựa trên căn bản nào? Với những yếu tố gì? Theo thiển kiến chúng tôi, muốn có đoàn kết phải dựa trên nền tảng thương yêu nhau và thông cảm lẫn nhau.

Quan niệm chủ quan không phải là quan niệm khoa học và không tạo nên niềm thông cảm. Thực ra, tôi không dám nói đến các tôn giáo khác, vì tôi không đủ khả năng. Chúng tôi lại càng không dám mạn đàm về đảng, vì các đảng viên có thể phát biểu ý kiến một cách tường tận hơn. Nhiều phiên họp tôi được tham dự, người ta đã thảo luận về Thiên Chúa Giáo mà không phản ánh trung thực về Thiên Chúa Giáo. Họ gán cho Thiên Chúa Giáo những ý nghĩa và mục đích mà tôi không hề nghe trong các Đại, Tiểu Chủng Viện. Vì vậy, kiến thức cần phải khách quan, đúng đắn và chỉ có những người nào đã sống trong tổ chức đó mới có thể phát biểu về truyền thống, chủ trương của tổ chức đó một cách xác thực. Xin qúy vị cho phép tôi được phát biểu ý kiến theo quan niệm của người Thiên Chúa Giáo về hai vấn đề trên.

Thứ Nhất, về Tự Do Tín Ngưỡng.

Sau ngày giải phóng, tôi được nghe chính phủ tuyên bố về chính sách tự do tín ngưỡng, tôi rất sung sướng và phấn khởi. Sự hăng say phấn khởi này được biểu lộ trong những lời phát biểu của tôi trước đây. Nhưng hai năm đã qua và tôi không còn cảm thấy sung sướng nữa, vì thực ra TỰ DO TÔN GIÁO KHÔNG CÓ.

Những buổi hành lễ đã bị hạn chế và các tu sĩ Thiên Chúa Giáo không được phép di chuyển để phục vụ nhân dân Thiên Chúa, thí dụ, họ không được đến vùng kinh tế mới để làm lễ. Tôi rất tán dương đường lối của chính phủ về tự do tín ngưỡng được ghi trong 5 nghị quyết và những thông cáo của chính phủ về tự do tôn giáo. Nhưng đây chỉ là những nghị quyết trên giấy tờ. Tôi tin rằng những nghị quyết phản ảnh đúng đắn chính sách của chính phủ đưa ra. Có lẽ tôi không nên liên hệ giữa chính phủ và nhân viên chính phủ vì những người này không tuân hành đúng đắn đường lối của chính phủ. Vấn đề nhà thờ và các nơi hành lễ tôn giáo, xin qúy vị cho phép tôi được làm một chuyện so sánh. Ở nước ta những di tích nào là qúy giá hơn hết? Chắc chắn là tàng cổ viện và miếu thờ Hồ Chủ Tịch. Giả sử một ngày nào đó mà miếu thờ Hồ Chủ Tịch bị người khác chiếm cứ và dùng cho một mục tiêu khác, nhân dân Việt Nam có thể chấp nhận hay không? Riêng tôi, tôi không thể chấp nhận như vậy và tôi sẽ hợp tác với những người khác giải phóng để tàng cổ viện và miếu thờ Hồ Chủ Tịch trở lại là tàng cổ viện và miếu thờ Hồ Chủ Tịch. Vấn đề các nhà thờ lớn hay nhỏ, sang hay hèn, vẫn là nhà thờ. Mặt Trận, trong phiên họp Quốc Hội tại TP/HCM vào tháng 2 vừa qua đã đồng ý bảo vệ chùa chiền, nhà thờ, thánh thất Cao Đài và các nơi thờ phượng khác.

Trong hai năm qua chúng tôi đã xếp đặt thời giờ hành lễ để không cản trở sản xuất kinh tế. Có những người đã nói đi làm lễ là hại cho sức khoẻ, dân chúng cần nghỉ ngơi để có thể tăng gia sản xuất. Lý luận nầy có thể áp dụng cho những người khác chứ không phải ở nước ta. Hãy nhìn đến quân đội Hoa Kỳ và quân đội của những chính phủ Cộng Hoà trước đây, họ có nhiều thì giờ nghỉ ngơi, họ có đầy đủ ăn uống, sống sung túc, do đó họ đã bại trận. Ông Tống Hoàng Nguyên, chủ tọa phiên họp ngày hôm nay đã nói cho chúng tôi nghe những gian lao, khổ sở của quân đội ta khi còn sống trong rừng núi Trường Sơn.

Tôi đã khóc khi nghe những khổ sở này. Quân đội chúng ta đã thắng trận vinh quang, và cuộc chiến thắng vinh quang này không vì đời sống sung túc, đủ ăn đủ mặc, nhiều thì giờ nghỉ ngơi mà vì lý tưởng, tinh thần chiến đấu của họ. Đối với những người tôn giáo cũng vậy; khi tinh thần của họ được bình thản, họ có thể phục vụ quốc gia một cách hữu hiệu hơn.

Thứ hai, về quyền Công Dân Bình Đẳng.

Suốt trong hai năm qua, xin qúy vị cho tôi được phát biểu ý kiến một cách ngay thẳng, người Công Giáo không mấy thỏa mãn một tý nào. Họ là gì, họ ở đâu, họ cũng cảm thấy bị chèn ép, bị lấn lướt.

Tại nhà trường, sinh viên học sinh đã nghe những lời phỉ báng Công Giáo và giáo sư đã nhục mạ Công Giáo. Lẽ dĩ nhiên, trong lịch sử Thiên Chúa Giáo đã có những nhược điểm, nhưng suốt 2000 năm lịch sử Thiên Chúa Giáo cũng đã đóng góp rất nhiều cho nhân loại. Những điều tốt rất nhiều, còn những nhược điểm thật ra rất ít. Hơn nữa, mỗi giai đoạn có

nguyên tắc riêng của nó. Phê bình những thời đại trước đây bằng những sự kiện hiện tại thực ra không phải là một lối nhìn khoa học và tiến bộ.

Đối với những công nhân, công chức, giáo sư, cán bộ xã hội Công Giáo, mặc dầu họ là những công nhân tốt, họ cũng không được phép tiếp tục công việc của họ, chỉ vì họ là người Thiên Chúa Giáo. Nếu họ là một người Công Giáo, khi bị từ chối công việc, khi gặp khó khăn, khi muốn biết lý do tại sao như vậy, họ sẽ được nói riêng là nếu bỏ đạo Thiên Chúa hay họ đừng đi nhà thờ nữa, họ sẽ không còn gặp khó khăn.

Trong phiên họp Quốc Hội tại TP/HCM, một ủy viên trong Ban Chấp Hành Trung Ương đã đưa ra ý kiến là người Công Giáo chỉ được xem là công dân hạng hai.

Chính phủ thường tuyên bố là mọi người trước pháp luật đều bình đẳng, mọi thiểu số đều bình đẳng. Dân số chúng ta hiện nay được 50 triệu, trong đó có khoảng 45 triệu người Kinh, còn 5 triệu thuộc 60 thành phần sắc tộc.

Trong khi đó ít nhất là 3 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo, thế mà trên thực tế họ không được hưởng quyền công dân đồng đều như những ngừơi khác.

Trong hai năm qua, ngừơi Thiên Chúa ở tỉnh ta đã nỗ lực làm việc và tôi tin rằng chính phủ biết điều đó. Là một lực lượng công nhân, họ không có điều gì đáng bị khiển trách.

Trong những cuộc bầu cử, họ đã tỏ ra có kỷ luật. Điều họ không có, là quyền công dân. Trong bản thông cáo liên quan đến việc bắt giam các vị lãnh đạo Phật Giáo, do chính quyền TP/HCM đưa ra, ở đoạn cuối có nói: “Chính quyền TP/HCM và chính quyền các cấp phải áp dụng triệt để quyền tự do tôn giáo do chính phủ khẳng định, nên tránh những va chạm và lạm dụng luật pháp”. Chúng tôi không bao giờ lạm dụng luật pháp. Đây là ý kiến thô sơ của chúng tôi xin nêu ra để Mặt Trận xem có thể dùng làm căn bản cho tình Đoàn Kết. Chúng tôi thiết nghĩ nếu tự do tín ngưỡng có, thì không ai có thể thúc đẩy dân chúng chống lại đàn áp tín ngưỡng. Tại sao vậy, vì nếu đã có tự do tín ngưỡng thì ai thèm nghe những người thúc dục như vậy.

Xin cám ơn toàn thể qúy vị.

Thành phố Huế ngày 19 tháng 4 năm 1977

TGM Nguyễn Kim Điền

Tài liệu (2) Từ Tâm, một Phật Tử ở Huế đã “kính viếng hương hồn Đức TGM Nguyễn Kim Điền” với bài thơ sau đây (được đọc trước quan tài):

Lòng Người Mộ Đạo

Con đến Phủ Cam giữa ngày tang lễ,

Góp nỗi buồn trong muôn vạn niềm đau.

Hàng triệu tín đồ sát cánh bên nhau

Vạn vật đổi thay!

Lòng tin bất diệt.

Cha với con tuy chưa từng quen biết,

Lòng kính yêu cha vô bến vô bờ.

Sống giữa muôn người con vẫn bơ vơ,

Nhiều lúc tâm tư hướng về tôn giáo.

Nhưng tổ tiên con tám đời ngoại đạo,

Lẽ nào con trái ý tổ tiên mình!

Suốt cả đời cha trọn nghĩa trọn tình,

Giữ vũng niềm tin, coi thường bảo tố.

Và cuộc đời con muôn ngàn gian khổ,

Với thù sâu như biển rộng sông dài.

Đứng từ xa cúi mặt trước quan tài,

Lòng quá xót xa ngậm ngùi thương tiếc,

Con trân trọng gửi cha

lời kính chào vĩnh biệt.

Đến Giáo Hội Việt Nam

lời chia buồn thống thiết

Của một người ngoại đạo kính yêu cha.

Vầng trán thông minh can đảm hiền hòa,

Thấm đậm tình thương qua nhiều di ảnh.

Ánh mắt long lanh chứa đầy sức mạnh,

Giản dị trên đầu chiếc nón bài thơ.

Cha mất đi, một chuyện qúa bất ngờ,

Đau đớn biết bao người còn kẻ mất

Thể xác cha nằm yên trong Thánh Thất

Linh hồn cha về cạnh Đức Chúa Trời.

Cha để lại cho đời

Một lòng tin bất diệt,

Với khuôn mặt trang nghiêm,

Với tinh thần quyết liệt.

Lưu lại ân tình trong hàng triệu con chiên

Khi nhắc tên cha:Giám Mục Nguyễn Kim Điền.

Huế, tháng 6 năm 1988

Từ Tâm



Muc luc