Tuesday, October 12, 2010

Phan Gia Tâm- Ít lời "thanh bạch" với Trần Kiêm Đoàn & Nguyễn Đắc Xuân

Ít lời "thanh bạch" với Trần Kiêm Đoàn & Nguyễn Đắc Xuân/Phan Gia Ta^m

Trần Kiêm Đoàn







Ít lời "thanh bạch" với Trần Kiêm Đoàn & Nguyễn Đắc Xuân
Phan Gia Tâm

Hơn một năm rưỡi sau, kể từ khi hồi ký "Biến động Miền Trung" của Liên Thành phát hành rộng rãi tới người Việt tỵ nạn trên khắp thế giới, cá nhân tôi chưa được nghe hoặc thấy một vị "Huế" nào đã sống và chứng kiến những biến động chính trị ở Huế trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1972 lên tiếng phản đối gay gắt về tác phẩm nầy. Nếu có chăng thì cũng chỉ là những góp ý đúng đắn về những chi tiết nhỏ mà Liên Thành đã nhớ không đúng hay do báo cáo không chính xác từ thuộc cấp đồng nghiệp, đồng sự, hồi đó. Chẳng hạn như vào khoảng tháng 6/2009 (trên diễn đàn Take2tango), anh PVT (cựu SV Sư phạm Đại học Huế, ban Anh văn, niên khóa 68-72) hiện ở Úc, đã góp ý rất thân tình với tác giả một vài chi tiết nhỏ về ngành học của Bửu Chỉ và thân phận của ông Đoàn Công Lập (cựu trưởng ty CSQG Huế) sau 1975.

Tại sao những người Huế không chống đối gay gắt "Biến động miền Trung"? Lý do dễ hiểu, chín mươi phần trăm những điều mà Liên Thành ghi ra là những sự thật, không ai nghi ngờ, ngoại trừ những người Huế sống xa Huế vào thời điểm đó hoặc những người đã lầm lỡ tham gia trong những biến động ấy, nhưng vẫn không chịu thức tỉnh để "ôn cố tri tân".

Nhưng gần đây, khoảng đầu tháng 11/2009, trên một số báo điện tử của người Việt hải ngoại đã xuất hiện bài viết "Đôi điều với Liên Thành về biến động Miền Trung" của Trần Kiêm Đoàn (TKĐ, quê ở Hương Cần, Hương Trà, Thừa Thiên). Thâm ý của TKĐ thì chẳng ai không hiểu, bởi vì bài viết đã xuất hiện chỉ vài ba hôm trước khi Liên Thành đến Sacramento ra mắt sách. Nhưng TKĐ đã bị áp-phê ngược, nghĩa là quảng cáo rầm rộ không công cho LT và tác phẩm BĐMT.

Chắc nhiều người biết, bài viết ấy khá dài, tròm trèm tới 9 trang khổ giấy A4 với cỡ chữ số 10. Đọc xong tôi chỉ cười. Tôi cười không phải để khen chê dở hay, sai đúng, chống bênh, mà chỉ vì nhớ lại câu TKĐ đã viết trong bài nầy: "Nói cường điệu quá đà toàn những chuyện không thực thì người Huế gọi là nói "phách tấu".

Đúng! Điều nầy tôi công nhận có, ông TKĐ nói không sai. Vào cái thời của tôi và TKĐ, dân Huế xài hai tiếng nầy cho nhiều thứ lắm chứ không riêng gì "nói cường điệu quá đà". Tiện thể, tôi đã "hớt" sơ sơ một ít đoạn trong bài viết của chính ông TKĐ, đưa lên diễn đàn Take2tango dưới đề tựa "Đôi điều phách tấu" để người đọc hiểu thêm một số trường hợp khác có thể dùng đến hai tiếng "phách tấu" mà thực nghĩa của nó có thể là ba xạo, tầm phào, tầm bậy, đểu cáng, tào lao, nói càn .v.v. (chẳng hạn) Như:


1- Ở đoạn 2 - Khi được tin Liên Thành sẽ ra mắt sách tại thành phố Sacramento, thủ phủ cuả tiểu bang California, ông TKĐ đã lịch sự thế nầy: "Đang là một cư dân ở tại thành phố nầy, tôi xin gởi lời chào Liên Thành, một đồng hương xứ Huế và cũng là người đồng trang đồng lứa với tôi. Trước cùng lớn lên và đã sống hơn nửa đời trong khung trời Huế và nay trong cảnh "tha hương ngộ cố tri". Mới nghe ai cũng thấy cái ông "Tiến sĩ Huế TKĐ" nầy quả là một con người có tấm lòng tốt. Nhưng khi đã đọc hết bài viết ấy rồi, chắc cũng như tôi, nhiều người sẽ nhếch miệng cười: Lịch sự phách tấu! (hiểu theo nghĩa xạo ke). Đó là chưa nói tới chữ nghĩa phách tấu: "đã sống hơn nửa đời trong khung trời Huế".

Ngoài TKĐ ra, có "cao nhân" nào hiểu được sống trong khung trời Huế là thế nào, xin mở miệng cho tôi khai trí và con cháu chúng ta ở hải ngoại đang học tiếng Việt được nhờ. Chữ nghĩa của TKĐ thường là cường điệu như vậy. Và cường điệu quá đến tối nghĩa, (tất nhiên) cũng được xếp vào loại phách tấu.


2 - Ở đoạn 4 - Ông TKĐ cho ra một định lý: "Người phương Tây thiên về lý, phương Đông ta thiên về tình". Thử hỏi, nếu như người Tây phương chỉ thiên về lý thì làm sao người Mỹ có thể nhận cho ông TKĐ (người không bị ghép vào thành phần ngụy quân, ngụy quyền hay chống CS, chỉ bị vắt chanh bỏ vỏ) được tỵ nạn ở Hoa kỳ cho tới ngày nay? Còn dân Thái Lan là Tây phương à? Chín mươi phần trăm theo đạo Phật nữa chứ. Nhưng răng mà nhiều hải tặc rứa? Còn ta với ta, tình chỗ nào khi đảng CSVN giết hơn 50 ngàn người trong Cải Cách Ruộng Đất vào năm 1956-1957? Và gần hơn nữa, Huế với Huế, những tay đao phủ Mậu Thân 68 đã giết và chôn sống trên 5 ngàn người. Thiên về tình ở chỗ mô hỡi ông Tiến sĩ TKĐ? Dẫn chứng kiểu nầy người Huế cũng gọi là nói phách tấu (hiểu theo nghĩa nhảm nhí)


3 - Ở đoạn 10 – Ông TKĐ đã tìm hiểu và nghĩ rằng "Biến Động Miền Trung" của Liên Thành "có sự hỗ trợ của nhóm 'Phù Ngô Phục Hận' đầy bản lĩnh đang đứng ở hậu trường (!?)". Suy nghĩ và viết ra theo kiểu "mò tôm trên núi" như vậy, người Huế cũng gọi là phách tấu (hiểu theo nghĩa: nói càn).


4 - Ở đoạn 15 – Ông TKĐ nhấn (rất) mạnh: "Và, thêm vào đó, bản thân tôi cũng là chuyên viên điều tra tòa án về các hồ sơ tội phạm ngược đãi thanh thiếu niên thuộc chương trình CPS của chính phủ Hoa Kỳ trong suốt 18 năm liên tục tại Sacramento ". Ý ông TKĐ muốn cho người đọc hiểu là nhờ điều tra về các hồ sơ ngược đãi thanh thiếu niên cho tòa án nên kiến thức về tình báo của ông không thua gì những tay tình báo trong chiến tranh. Nói như rứa, người Huế chắc chắn cho là nói phách tấu (hiểu là khoe khoang, trạng cóc!).


5- Ở đoạn 17 – Ông TKĐ nói thế nầy về vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế: "Trên 5000 người dân vô tội bị thảm sát. Theo các nguồn thông tin đáng tin cậy thì thủ phạm điềm chỉ bắt người và giết người là những giao liên cọng sản nội thành". Trên 5000 người bị thảm sát thì đúng. Còn theo các nguồn thông tin đáng tin cậy mô và những tên địa phương mô theo VC đã đưa danh sách cho đám giao liên CS nớ thì ông TKĐ đã biết rất rõ nhưng vẫn lờ đi, không nhắc tới. Người Huế cũng gọi kiểu lấp liếm như rứa là phách tấu (tức ba xàm)!


6 - Ở đoạn 26, 27 – Ông TKĐ cho rằng Thầy Trí Quang là một tu sĩ nổi bật trong cuộc đấu tranh Phật giáo 1963 – Mà Phật giáo Huế có tiếng khắt khe và nghiêm ngặt về giới luật, làm gì có chuyện Thích Trí Quang có người yêu! Nói như vậy người Huế cũng cho là nói phách tấu (hiểu theo nghĩa nhắm mắt nói bừa), bởi làm gì có chuyện giới luật của Phật giáo Huế lại khắt khe, nghiêm ngặt hơn Phật giáo các nơi khác ở VN cùng trong một thời kỳ?


7 - Ở đoạn 28 – Xin trích nguyên văn của ông TKĐ: "Biến động 1966 phát xuất từ nguồn gốc là người Mỹ đã chuyển hướng biến miền Nam thành kho súng đạn sau khi xoa tay bức tử triều đại Ngô Đình. Mỹ không muốn mất thời gian tái tổ chức một xã hội miền Nam theo mẫu mã dân sự ổn định như Hoa Kỳ mà nóng lòng muốn dứt điểm cuộc chiến Việt Nam để ôm Trung Quốc". Đúng là phách tấu (hiểu theo nghĩa nói tào lao)! Bởi nếu không phách tấu thì Tiến sĩ TKĐ giải thích sao đây về cuộc phản công Mậu Thân 68, phản công Mùa hè đỏ lửa và vụ dội bom ở miền Bắc, của quân đội Mỹ vào năm 1972?

Đúng ra, còn nhiều phách tấu nữa trong bài viết của ông TKĐ, nhưng những tưởng chừng bấy nhiêu nhắc lại cũng tạm đủ để nếu có dịp Ts TKĐ có thể dùng tới. Bây giờ tôi xin đề cập đến một bài viết khác mới đây nhất, cũng của TKĐ. Đó là bài "Ma giữa ban ngày".

Đọc qua cái tựa của bài viết lần nầy, tôi cũng cười, vì tự nhiên nghĩ ngay đến việc TKĐ chôm chĩa cái tựa của tập hồi ký "Đêm giữa ban ngày". Tài tình thật! Chỉ đổi đi một chữ của nhà báo Vũ Thư Hiên là thành ngay của tiến sĩ Trần Kiêm Đoàn! Việc nầy đã làm tôi nhớ lại một đoạn trong bài viết trước (Đôi điều với Liên Thành về "Biến Động Miền Trung") của TKĐ, như thế nầy (nguyên văn): "Cũng xuất thân là một người con trai đàn ông Huế như Liên Thành, điều góp ý gần gũi nhất là quê hương xứ sở mình. Huế nghèo nhưng thanh bạch. Thanh bạch trong cách sống và lời nói". Đây là kiểu nói lập lờ, "viết để lách" của TKĐ. Thay vì chính xác và chuẩn câu văn hơn, TKĐ nên viết: "Cũng xuất thân là (bỏ chữ người đi) con trai đàn ông ( bỏ chữ Huế đi) Thừa Thiên như Liên Thành, tôi ..." (nên thêm chữ tôi vào để làm chủ từ). Xin lỗi tôi đã sửa lưng nhà văn, nhưng buộc phải làm, vì đọc lên nghe chướng tai lắm! Rồi không hiểu hai chữ Thừa Thiên có gì không hay mà TKĐ lại tránh né? Và cũng tiện tay tạm chôm chĩa hai chữ "thanh bạch" ở đây của TKĐ để làm cái tựa "Ít lời thanh bạch" hôm nay.

Nội dung "Ma giữa ban ngày" của TKĐ là muốn "thanh bạch" lý lịch bản thân. Nhưng việc nầy chắc hơi khó vì đã lỡ nhơ, thì tẩy sao cho bạch được như lúc ban đầu. Điều ấy chắc TKĐ hiểu hơn ai hết, càng giẫy dụa, tránh né xà phòng, sẽ càng nhọ thêm. Như TKĐ cho rằng Nguyễn Phi (người cùng làng) nào đó là Ma, phịa chuyện, vậy sau đó Lan Hương (bà con) cũng viết ra lai lịch của TKĐ (trên vietland.net) thì nên gọi là gì? Đấy là chưa kể một số người biết khá rõ về TKĐ lúc còn ở VN (đi học và đi làm) vẫn đang sống sờ sờ (trong và ngoài nước) thấy chưa cần thiết phải lên tiếng.

Như cách đây mấy hôm, tôi điện thoại về VN thăm người bạn học cũ, tiện thể nhắc tới những "chối tội" của TKĐ, người bạn (Hồ Ngọc Th., Sư phạm Sử địa, cùng năm với TKĐ) nói ngay: Nhờ chuyển lời bảo hắn ngưng "phách tấu phách tán". Rồi người bạn nầy kể: Năm 63 hắn tham gia tranh đấu chống ông Diệm thì mình không biết, hắn chỉ tự khai. Còn vụ đưa bàn thờ Phật ra đường năm 66 mà hắn chối thì đúng là thằng phách tấu (láo khoét). Mình còn nhớ rất rõ, hồi đó hắn lăng xăng chạy đầu nầy đầu nọ, la lối om sòm, dù chẳng có chức vụ gì. Còn mình thì ngồi trong đám tuyệt thực nhìn hắn mà phát cười, dù bụng đói meo. Ai chớ TKĐ mà lạ lùng gì với mình! Hỏi hắn còn nhớ thời gian hắn vô phường Trung Hậu trong Thành Nội "cua" Trần Thị M. học bên Hán Việt, chị họ của tau (có lẽ giận quá nên đổi cách xưng hô) không? Hồi đó tau chẳng thân gì hắn vì hắn học bên Hán Việt và cũng chẳng có gì đặc biệt, nhưng tau gặp hắn mấy lần ở nhà chị M., cù lần bỏ mẹ! Sau 75, tau dạy ở Phước Vân (Qui Nhơn) còn hắn dạy ở Huế nên tau không biết nhiều. Nhưng bạn bè cùng khóa kể lại là hắn bon chen với "cách mạng" lắm. Để trả công, tụi nó cho hắn làm ở trong "Ban điều hành" trường Nguyễn Tri Phương. Sau một thời gian tạm ổn định, tụi nó điều người ngoài Bắc vào và cho hắn ra rìa..."

Cũng nên nói ra để Ts TKĐ biết thêm đôi chút: Tôi, người viết bài nầy, cũng cùng học trường trung học Hàm nghi, chỉ sau TKĐ một lớp. Trong vụ "biến động miền trung năm 1966" tôi là một thành viên trong "chiến đoàn quyết tử" ở Huế mà cha đẻ của nó là Thích Trí Quang; Mậu Thân 68 tôi vẫn còn học ở Huế, chưa chết với đám VC nằm vùng là may. Sau khi xong tú tài 2, tôi mới rời Huế.; Và từ 71 đến 75 mặc dù đã vào lính, nhưng đơn vị tôi đóng ở Cây số 17 - Hương Trà – cách Huế 17 cây số. Giao du của tôi trong những lần vào Huế là anh em bên Đại học sư phạm (cùng thời với TKĐ) và chỗ ăn dầm ở dề của tôi là cư xá sư phạm trên đường Đội Cung. Cho nên những tin tức về các sinh viên tranh đấu ở Huế tôi chẳng lạ gì.

Mới đây, đầu năm 2009 từ Úc, tôi về Huế thăm gia đình. Trong lúc ngồi đợi chuyến bay (vào SG) ở phi trường Phú Bài, tôi tới quầy bán sách tìm có chi mua đọc giết thì giờ. Thì ra có cả sách của TKĐ mới viết bên Mỹ được in và bày bán ở đây, cuốn "Huế từ ngõ ý". Răng mà lạ ri hè? (tôi đánh dấu hỏi trong đầu). Tỵ nạn bên nớ răng mà sách (của tỵ nạn) lại được bán bên ni? Rứa thì ông TKĐ tỵ nạn theo diện con chi chi? Thắc mắc thì thắc mắc, nhưng tôi cũng mua một cuốn. Thời gian ngồi ở phi trường và trên chuyến bay tôi đọc được vài ba chương. Chẳng có gì lạ, chỉ nhai lại từ cuốn "Chuyện khảo về Huế" của anh ta xuất bản ở hải ngoại trước đây.

Trong Chuyện khảo về Huế hồi đó, ngoài bún bò Mụ Rớt, bánh nậm, bánh bèo, chè Cồn, cơm Âm Phủ..., còn thấy được hơi hám của một người tỵ nạn. Tôi lấy làm thú vị khi đọc cuốn ấy của TKĐ. Có lẽ vì xa Huế lâu quá, giờ có người "đồng hương, đồng cảnh" nhắc lại những lặt vặt của Huế vướng vất ít nhiều kỷ niệm với mình đâm ra thích, thế thôi, chứ lối chải chuốt câu văn của TKĐ thì nghe hơi ngượng, hơi sến, chẳng khác gì "anh chàng đĩ ngựa chải dầu bri-dăng-tin". Nhiều chỗ anh ta đã quá đà thành ra "lộng ngôn, ngoa ngữ". Từ "Chuyện khảo về Huế", TKĐ đã cắt bỏ, thêm bớt, để thành ra "Huế từ ngỏ ý" nhưng lại mất tiêu dấu tích người tỵ nạn.

Bây giờ (sau hai bài viết vưa rồi) tôi mới hiểu ra tại sao cuốn "Huế từ ngỏ ý" lại được in và bán tại VN. Điều để tôi khẳng định lập trường của TKĐ là, dù trong bài viết TKĐ có nhắc tới trên 5000 nạn nhân Mậu Thân, nhưng tuyệt nhiên không đả động đến tên tuổi của những "đao phủ" hiện đang sống ở Huế. E rằng suy nghĩ của mình không chính xác, nên tuần trước trên diễn đàn Take2tango tôi đã bắt chước cách nói (dạy đời) trong chuyện kể của TKĐ (ở đoạn chót của bài viết "Đôi điều với Liên Thành"), để khiêm tốn thế nầy: "Thưa ngài Trần Kiêm Đoàn, tôi không dám coi nhẹ ngài vì ngài có thể sẽ là gì đó của nhà nước VN trong tương lai, nhưng xin ngài (đừng phách tấu phách tán, đừng cả bụ lấp miệng em) có cách chi cho đôi điều để độc giả người Việt tỵ nạn hải ngoại hiểu thấu chuyện ni được không? Hay như (ở đoạn 29) ngài đã cho biết: "Trong cảnh tranh tối tranh sáng nầy, anh em nhìn rõ mặt nhau thật khó"?

Cũng như mới đây, tôi có đọc được một bài viết của đao phủ Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) trên Talawas: "Vài điều về Liên Thành, tác giả BĐMT". Lạ thật! Bấy lâu nay im hơi lặng tiếng thì chỉ trong tháng 11/2009 có luôn hai bài "đôi điều..., vài điều..." của TKĐ và NĐX!

Trong bài "Vài điều...", NĐX đã ghi lại một số chuyện "giết người đến lạnh da gà" của Liên Thành, Trưởng ty Cảnh Sát Thừa Thiên - Huế cách nay gần 40 mươi năm, giữa ta và địch, theo tài liệu của CSVN sau 75 . Những chuyện kể nầy không thuyết phục được cá nhân tôi, bởi vì chiến trường là phải vậy. Cũng như tôi, dù là dân Pháo binh cũng đã "mặt đối mặt" với địch trên chiến trường trong thời gian làm tiền sát viên cho các đơn vị tác chiến. Ta không giết địch, địch sẽ giết ta. Tuy nhiên, xin nói để NĐX rõ, kể từ những biến động 63 đến 75, chưa có một tài liệu nào của ta hay địch, ở miền Nam hay miền Bắc, thiên hữu hay thiên tả, đấu tranh hay chống đấu tranh ... tiết lộ như NĐX kể trong bài viết vừa rồi. Và từ 1975 đến 2009, vô số kể tài liệu giải mật của Hoa kỳ, hồi ký của tình báo VNCH và của CS, những tiết lộ của những người theo phe bên kia,...không ai cho biết như NĐX vừa kể ra. Chỉ có điều nầy thì tôi công nhận: Hồi đó ở Huế ai cũng biết Liên Thành (nhỏ con, liều mạng) là hung thần của đám VC nằm vùng!

Chuyện giết người của Liên Thành (do NĐX kể) hay Nguyễn Ngọc Loan (bị chụp hình) chưa ghê rợn bằng một phần trăm của Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường v.v. (hồi tết Mậu Thân) hay một phần vạn của tập đoàn CS miền Bắc (hồi cãi cách rộng đất và sau 1975).

Đừng lấp liếm chạy tội! Tôi xin nói để Nguyễn Đắc Xuân hiểu, ngày nào người dân Huế còn "làm mâm cơm" cúng giỗ người thân đã qua đời vào Mậu Thân 68 thì ngày ấy thiên hạ ở Huế vẫn chưa quên tội giết người của Nguyễn Đắc Xuân và đồng bọn. Đừng lập công nữa hỡi Trần Kiêm Đòan, Nguyễn Đắc Xuân! Hãy nghe, hãy đọc những gì cựu đại tá CS, nhà báo Bùi Tín nói ra, để làm được những việc cho người dân trên quê hương xứ sở được nhờ.

Nhân đây, người viết bài nầy, xin gởi đến những bạn đọc cho rằng BĐMT của Liên Thành đã gây chia rẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại một câu hỏi ngắn: Cộng đồng người Việt có mặt ở hải ngoại gần 35 năm, BĐMT mới phát hành chưa tới 2 năm. Xin cho biết 33 năm trước đây, người Việt hải ngoại đã đoàn kết được ở mức nào?

Khi trả lời giùm tôi mong quí vị cũng nên nhớ cho là, mấy năm gần đây CSVN tấn công, bòn rút "khúc ruột ngan dặm" bằng nhiều mặt, nhiều cách: Vô cùng thâm độc và hung hãn!

Rất mong Trần Kiêm Đoàn & Nguyễn Đắc Xuân đọc được "ít lời thanh bạch" nầy của tôi. Bởi đọc lịch sử, không ai chối cãi, Huế đã nghèo xơ nghèo xác vì thiên tai, lại ác nghiệt thay quá nhiều biến động đau thương xảy ra với người dân Huế, xin ông Tiến sĩ TKĐ và Nhà Huế học NĐX can đảm nhận sự thật để trước, lòng mình được "thanh thản" và sau, cho Huế tìm được đôi chút bình an.

Úc châu, 11/2009 -

Phan Gia Tâm

Muc luc