Wednesday, June 3, 2009

Biến Động Miền Trung (1963-1975) Bài 6 - Liên Thành -GHPGVNTN



Biến Động Miền Trung (1963-1975) Bài 6

Lịch Sử Việt

Liên Thành

Một tài liệu liên quan đến một giai đoạn đầy thử thách trong cuộc chiến Quốc Cộng, tài liệu này do ông Liên Thành, cựu trưởng ty Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Thừa Thiên-Huế, người trong cuộc có trách nhiệm đối diện với một hệ thống xâm nhập của tình báo Cộng Sản Việt Nam trong giai đoạn khó khăn đầy biến động của cuộc chiến. Tài liệu này còn là một giá trị cho công cuộc đấu tranh hiện nay, bài học để thấy sự xâm nhập của CSVN hầu làm kinh nghiệm cho những tổ chức đấu tranh tự do dân chủ. Đây là tài liệu dài, chúng tôi sẽ lần lượt đăng từng phần trên trang web này (bài 6)




(Tiếp theo phần 5)

Tất cả những người này, chúng tôi đã có hồ sơ từ lâu, nhưng vì một số lớn nằm trong các tổ chức nội thành của Việt Cộng mà Cảnh Sát Đặc Biệt đã mở những Chiến dịch xâm nhập, nên chưa đến lúc phải phá vỡ. Nhưng nay vì tình hình khẩn trương, để chận đứng cuộc Tổng nổi dậy của bọn chúng, tôi quyết định giữ lại một số chiến dịch xâm nhập lâu dài, số còn lại phá vỡ và bắt giữ toàn bộ. Số lượng nằm trong danh sách khoảng 1500 cơ sở, và sẽ phải di chuyển họ rời khỏi Huế ngay. Chúng ta không còn nhiều thì giờ, nếu tình hình quân sự diễn biến nhanh và bất lợi cho quân lực VNCH, thì lập tức bọn Cán bộ chính trị Việt Cộng sẽ phát động cuộc Tổng nổi dậy. Vì thế tôi nghĩ cuộc hành quân của chúng ta chậm nhất là phải khai diễn vào 6 giờ sáng ngày mai 6-6-1972.

Nếu theo kiểu nói giang hồ thì lần nầy tôi đem hết tài sản của BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế ra chơi canh bạc xì phé với tên Trung Tá Việt Công Hoàng Kim Loan và đám giặc cỏ của hắn và chắc chắn tôi sẽ làm cho hắn cháy túi. Tôi sẽ xử dụng 2/3 lực lượng CSQG Thừa Thiên- Huế vào cuộc hành quân này, gồm có:

- Cảnh Sát Đặc Biệt
- Cảnh sát sắc phục.

*(BCH /CSQG Thừa Thiên-Huế là đơn vị CSQG lớn nhất toàn quốc. Tổng số khoảng 5300 nhân viên CSQG, chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ của 10 quận nông thôn, gồm 73 xã thuộc tỉnh Thừa Thiên, và 3 quận 1,2,3 thị xã Huế)

Chúng ta sẽ có cuộc họp toàn bộ các Chỉ Huy Trưởng, và phụ tá CSĐB quận, các cấp chỉ huy cuả BCH vào khoảng 9 giờ tối ngày hôm nay, vì vậy tôi yêu cầu văn phòng Cố Vấn Đặc Biệt, hoặc Phụng Hoàng giúp phương tiện trực thăng chở các Chỉ Huy Trưởng và phụ tá Đặc Biệt quận về BCH tỉnh trước 9 giờ tối nay, và hoàn trả họ lại đơn vị sau khi họp xong.

Thiếu tá Cố Vấn Phụng Hoàng cho biết:

- Đại Úy Thành, tôi có thể giúp, hiện tôi đang có trực thăng trực cho tôi và Đại tá Cố Vấn Tỉnh, Ông có thể xử dụng. Tôi có một yêu cầu: Vào ngày hôm qua tất cả những thành phần không quan trọng thuộc cơ quan Cố Vấn Tỉnh (Cord) đã di tản vào Đà Nẵng, chỉ còn một số ít nhân viên ở lại Huế. Tôi muốn Đại Úy cho phép tôi và một toán nhỏ về đóng tại Trung Tâm HQCL để tiện liên lạc.

- Không có gì trở ngại. Ông liên lạc với Đại Úy Trinh, Trung Tâm trưởng TTHQCL. Trinh sẽ sắp xếp cho ông.

Cố vấn CSĐB hỏi tôi:

- Đại Úy, phần trước ông cho biết có thể số người bị tạm giữ gần 1500, ông định di chuyển họ ra khỏi Huế. Vậy đưa họ đi đâu và bằng phương tiện nào?

- Bình thường những tù nhân đã lãnh án, đều được di chuyển ra Côn Sơn, và phương tiện di chuyển đều do Bộ Tư Lệnh CSQG tại SàiGòn cung cấp. Tuy nhiên lần này vì tình hình đặc biệt, ngoài Bộ Tư Lệnh CSQG Sàigòn, tôi sẽ trình bày với Đại Tá Tỉnh Trưởng và nhờ ông can thiệp với Bộ Tư Lệnh Tiền phương Quân Đoàn I, cung cấp phương tiện chuyển vận và địa điểm là Côn Sơn. Họ sẽ bị giữ tại đây trong một thời gian ngắn, khi tình hình Huế ổn định, tôi sẽ đem họ về và tuần tự thanh lọc.

Ngoài số người này, hiện tại Trung Tâm Cải Huấn có khoảng 400 tù Cộng Sản. Số này đáng lý phải di chuyển hơn một tuần trước đây, nhưng vì tình hình chiến sự họ vẫn còn tại Trung tâm Cải Huấn. Số 400 tù Cộng Sản nầy phải di chuyển ngay, nếu họ nổi loạn phá nhà lao, hoặc lực lượng Đặc Công Việt Cộng tấn công trung tâm Cải Huấn giải thoát đám này ra ngoài thì hậu quả thật khó lường. Điểm cuối cùng, tôi có ý định đặt tên cho cuộc hành quân này là "Chiến Dịch Bình Minh", với mong mỏi sau cuộc hành quân phá vỡ âm mưu Tổng nổi dậy cuả bọn Việt Cộng. Một Bình Minh an lành sẽ đến với đồng bào Huế.

Mọi người đều thuận ý lấy tên như vậy. Tôi nói Đại Úy Trần văn Trinh cho quay ronéo 1500 lệnh tạm giữ, tôi sẽ ký khống chỉ và giao cho các Chỉ Huy Trưởng quận trong phiên họp tối nay. Riêng Đại Úy Ân liên lạc ngay với các Chỉ Huy Trưởng Quận và phụ tá CSĐB, chuẩn bị hồ sơ hạ tầng cơ sở địch trong phạm vi trách nhiệm, mang theo khi trực thăng đón lên họp tại BCH Tỉnh tối nay.

Phiên họp chấm dứt, và hẹn gặp lại 9 giờ tối.

CHIẾN DỊCH BÌNH MINH

9 giờ 15 tối ngày 5-5-1972, tại phòng hội BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, thành phần tham dự gồm có:

- Chỉ huy Trưởng CSQG/ Thừa Thiên-Huế, kiêm Tổng thư ký điều hành Ủy Ban Phụng Hoàng: Đại Úy Liên Thành

- CHP/ CSQG/Thừa Thiên-Huế: Đại Úy Truơng Văn Vinh

- Trưởng Phòng CSĐB: Đại Úy Trương Công Ân

- Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga : Nữ Đại Úy...?

- Trưởng Phòng Cảnh Sát Tư Pháp: Đại Úy Nguyễn văn Ngôn

- Trung Tâm Trưởng TTHQ/Cảnh Lực, kiêm phụ tá Tổng thư ký Ủy Ban Phụng Hoàng Tỉnh: Đại Úy Trần văn Trinh

- Trưởng phòng Hành Chánh, tiếp liệu: Đại Úy Trần văn Quế

- Trưởng Ban Nhân Viên: Trung Úy Phạm Thìn

- Trưởng ban An Ninh Nội Bộ: Trung Úy Lê khắc Kỷ

- Đại Đội trưởng Đại Đội CSDC: Đại Úy Trần Văn Tý

- Trưởng ban Tuần tiễu Hỗn hợp: Đại Úy Đoàn Đích

- Biệt Đội Trưởng BĐ Hình Cảnh:Trung Uý Văn Hữu Tuất -Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Giang Cảnh: Đại Úy ... ??.

- Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Thẩm Vấn: Trung Úy Nguyễn Thế Thông -Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Tạm giam: Trung Úy.......

-Trưởng Ban Hoạt Vụ: Thiếu Úy Dương Văn Sỏ

- CHT Quận 1 và phụ tá CSĐB: Đại Úy Lê Khắc Vấn

- CHT Quận 2 và phụ tá CSĐB: Đại Úy Ngô Trọng Thành

- CHT Quận 3 và Phụ tá CSĐB: Trung Úy Phạm Cần

- CHT Quận Phong Điền và PT/CSĐB: Đại Úy Trần Thế Hiển

- CHT Quận Quảng Điền và PT/ CSĐB: Đại Úy Trần Đức Tuất - CHT Quận Hương Điền và Phụ Tá CSĐB : Đaị Úy. . ??.

- CHT Quận Hương Trà và PT/ CSĐB: Đại Úy Lê Văn Phi

- CHT Quận Nam Hoà và PT/ CSĐ: Đại Úy Dương Phước Tấn

- CHT Quận Hương Thủy và PT/ CSĐ: Đại Úy Phạm Bá Nhạc -CHT Quận Phú Vang và PT CSĐB Đại Úy Nguyễn văn Hướng

- CHT Quận Phú Thứ và PT/ CSĐB: Đại Uy Lê văn Thiện - CHT Quận Vinh Lộc và PT/ CSĐB: Đại Úy Tôn Thất Trang

- CHT Quận Phú Lộc và PT/ CSĐB: Đại Úy Nguyễn văn Toàn - Đại Úy Dụng đại diện Ty An Ninh Quân Đội Thừa Thiên tại Ủy Ban Phụng Hoàng Tỉnh.

- Trung Úy Lợi đại diện Phòng 2 và Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Thừa Thiên tại Ủy Ban Phụng Hoàng Tỉnh.

Về phiá phái bộ Cố vấn Hoa Kỳ gồm có:

- thiếu tá Cố vấn chương trình Phụng Hoàng Tỉnh

-Đại diện văn phòng cố vấn CSĐB

-Cố vấn Đại đội CSDC

-Cố Vấn Trưởng BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế.

Mở đầu buổi họp là phần thuyết trình diễn biến tình hình chiến sự của hai mặt trận phía Bắc và phía Tây thành phố Huế, do Đại Úy Trinh, Trung Tâm trưởng TTHQ/Cảnh Lực trình bày. Kế tiếp, Đại Úy Truơng Công Ân Trưởng phòng CSĐB trình bày kế hoạch và khả năng của địch trong âm mưu phát động cuộc Tổng nổi dậy tại thành phố Huế trong những ngày sắp đến.

Phần tôi, tôi thông báo cho mọi đơn vị trưởng biết quyết định cuả Bộ Chỉ Huy tỉnh trong phiên họp hồi chiều là mở cuộc hành quân rộng lớn bắt giữ tất cả các thành phần nòng cốt hạ tầng cơ sở địch trong toàn tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế, để chận đứng cuộc Tổng Nổi Dậy của bọn chúng. Ngoài ra thành phố phải được kiểm soát thật chặt chẽ đề phòng các toán tiền phương đặc công Việt Cộng xâm nhập, bất thần tấn công các cơ sở quan trọng của chính quyền như: Trung Tâm Cải huấn (nhà lao Thừa Phủ), Toà Hành Chánh Tỉnh, đài phát thanh, đài truyền hình, Ty ngân khố, Ty bưu điện, các trụ sở phát tuyến hệ thống phát thanh ra miền Bắc của các đài Tiếng Nói Tự Do, Gươm Thiêng Ái Quốc, và nhất là đặc công thủy có thể đặt chất nổ phá sập 3 cây cầu quan trọng đó là cầu Bạch Hổ, cầu Mới và cầu Tràng Tiền. Vì thế trách nhiệm của chúng ta, lực luợng CSQG Thừa Thiên- Huế trong giờ phút này hết sức nặng nề, chúng ta phải đối phó hai mặt:

  • An ninh trong thành phố
  • Ngăn chận cuộc Tổng nổi dậy.

Vì vậy tôi có ý định xử dụng khoảng 3000 nhân viên vào hai công tác này và được phân chia như sau:

- Đại Đội 102 Cảnh Sát Dã Chiến có 10 trung đội, quân số vào khoảng 500 người (không giống như cấp số của quân đội)

- Trung đội tăng cường cho Cảnh Sát sắc phục taị các nút chận cửa ngõ ra vào thành phố như: An Hòa, Bao Vinh, Đập Đá, Chợ Cống, An Cựu, Nam Giao, Cầu Lòn.

- Trung đội tăng cường canh giữ các yếu điểm quan trọng trong thành phố.

- Trung đội tăng cường cho phòng CSĐB yểm trợ cho cuộc hành quân.

- Các trung đội còn lại là lực lượng trừ bị sẵn sàng ứng phó mọi biến động xảy ra trong thành phố và nhất là trấn áp các cuộc biểu tình bạo động. Đơn vị 102 CSDC đặt dưới quyền chỉ huy và điều động của Đại Úy Trần văn Tý, Đại đội trưởng, và đại đội phó Đại Úy Bác Sĩ Chung Châu Hồ ( Bác sĩ Hồ xuất thân Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, ra trường phục vụ tại BCH/CSQG Thừa Thiên. Đại đội phó 102 CSDC, anh ta học y khoa tại Đại Học Y Khoa Huế, rất hiếu học, vì thế tôi giúp anh ta có thì giờ học hành, mặc dầu đã tốt nghiệp Bác Sĩ, nhưng anh ta vẫn làm đại đội phó 102 CSDC). Tôi lưu ý Đại Úy Trần văn Tý, với tình hình hiện tại nếu có biểu tình bạo động xảy ra, thì đó là cuộc biểu tình của đám cơ sở nội thành Việt Cộng, vì thế phải đàn áp thật mạnh và dập tắt tức thời, những ai chống lại bằng vũ khí, cho lệnh nổ súng bắn trả ngay, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về lệnh này.

- Đơn vị Biệt Đội Hình Cảnh. Trung Úy Văn Hữu Tuất, Biệt Đội Trưởng

- Đơn vị Tuần tra Hỗn Hợp. Đại Úy Đoàn Đích chỉ huy.

Trong 2 ngày nay đã có những vụ cướp giựt trên đường phố, và trộm cắp tài sản của nhiều gia đình đã chạy giặc vào Đà Nẵng. Để bảo vệ an ninh và tài sản của đồng bào, hai đơn vị trên phải phối hợp chặt chẽ, truy bắt hết bọn bất lương này, giao cho phòng Tư Pháp, đợi tình hình ổn định, lập thủ tục truy tố bọn chúng ra toà.

- Phòng Cảnh Sát Đặc Biệt . Nỗ lực chính của Chiến dịch Bình Minh. Xử dụng 1200 nhân viên CSĐB, tăng cường 100 Cảnh Sát Dã Chiến yểm trợ, và 400 nhân viên Cảnh Sát Sắc Phục yểm trợ lục soát và lập biên bản theo đúng thủ tục luật pháp quy định. Lực lượng này được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Trương Công Ân Trưởng Phòng cảnh Sát Đặc Biệt.

Tôi lưu ý với các cấp chỉ huy hiện diện trong phiên họp:

Tình hình Huế mỗi giờ mỗi trầm trọng, cơ quan Tỉnh Ủy và Thị Ủy Việt Cộng sẽ phát động cuộc Tổng nổi dậy cướp chính quyền tại Huế bất cứ giờ nào, Kể từ ngày mai 6-5-1972, vì vậy chúng ta cần phải ra tay trước thật nhanh, mạnh mẽ và quyết liệt. Bất kỳ ai, dù họ là cấp nào, giới chức nào, tôn giáo hay phe phái nào, đã nằm trong danh sách đều phải bị bắt giữ. Tất cả phải được giải giao về trại tạm giam và trung tâm thẩm vấn. Trung Úy Hồng trại trưởng Tạm Giam và Trung Úy Nguyễn Thế Thông, Trung tâm Trưởng Trung Tâm Thẩm vấn phối hợp lập hồ sơ thật nhanh, chờ phương tiện di chuyển họ ra Côn Sơn.

Tôi cũng tiên liệu rằng trong thời gian cuộc hành quân đang tiếp diễn, hoặc sau khi chấm dứt chúng ta sẽ gặp rất nhiều chống đối, bôi nhọ, vu khống của những phe phái đối lập, Tôn Giáo, và ngay cả những cơ sở Việt Cộng nằm trong cơ quan lập pháp của Chính Phủ VNCH, v.v. . . Mọi hậu quả, với tư cách là người chỉ huy, tôi nhận lãnh trách nhiệm. Vì vậy tôi đã ký khống chỉ gần 2000 lệnh bắt giữ, chốc nữa đây Đại Úy Ân trưởng phòng CSĐB sẽ giao cho anh em chỉ huy trưởng quận. Đây là lệnh của tôi, của Chỉ Huy Trưởng CSQG Thừa Thiên- Huế bằng bút ký lệnh, bằng giấy trắng mực đen, chứ không bằng khẩu lệnh, anh em yên tâm thi hành. Tôi chỉ xin anh em một điều duy nhất:

- Cũng như tôi, hãy đem danh dự, tuổi trẻ, và tâm hồn trong sáng của một sĩ quan Quân Lực VNCH, của một sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia, thi hành nghiêm chỉnh lệnh thượng cấp giao phó. Đừng đem tư thù, hoặc quyền lợi nhỏ nhen cá nhân mà vu khống, chụp mũ, bắt người vô tội. Nhớ kỹ: "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại". Gieo oan ức cho kẻ khác, cho dù anh em thuộc tôn giáo nào cũng phải tin rằng, nếu đời này ta không trả món món nợ oan nghiệt đó, thì đời sau con cháu chúng ta sẽ phải trả nặng gấp bội phần. Tôi nhắc lại:

- Bất kỳ cấp nào vi phạm những điều tôi vừa nêu trên, ngay lập tức sẽ bị câu lưu và truy tố ra toà.

- Ngày N cuả chiến dịch Binh Minh là ngày mai: 6-5-1972

- Giờ G là 6 giờ sáng. Một lực lượng Đặc nhiệm được thành lập để truy bắt Trung Tá Việt Cọng Hoàng Kim Loan gồm có:

20 nhân viên CSĐB

30 nhân viên CSDC yểm trợ tôi trực tiếp chỉ huy, Đại Úy Ân trưởng phòng CSĐB, Thiếu Úy Dương văn Sỏ trưởng ban Hoạt Vụ, phụ tá.

Giờ xuất phát cuả lực lượng đặc nhiệm là G -2 tức 4 giờ sáng ngày 6-5-1972. Sở dĩ tôi chọn 4 giờ sáng, 2 giờ trước chiến dịch Bình Minh khai diễn là để khỏi bị động, tên nầy có thể chạy thoát.

Phiên họp hành quân chấm dứt vào lúc 11 giờ 20 tối. Các Chỉ Huy truởng và phụ tá Đặc biệt lần luợt lên trực thăng trở về nhiệm sở.

Các đơn vị trưởng khác không cần điều động đơn vị đều đựơc giữ laị BCH, để khỏi bị tiết lộ tin tức hành quân. Tất cả đều dùng cơm khuya tại Câu lạc Bộ của BCH.


KẾT QUẢ:

- 4 giờ 54 phút sáng ngày 6-5-1972, Trung Tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan, Thành Ủy viên Thành Ủy Huế, bị Lực Lượng Đặc Nhiệm BCH/ CSQG Thừa Thiên-Huế bắt sống tại Vỹ Dạ.

Diễn tiến hành động:

Từ nhiều ngày nay, các toán theo dõi đã bám sát mục tiêu Hoàng Kim Loan, và gần nhất ghi nhận:

- Ngày 2-5-1972 hắn di chuyển đến nhà tên Lê Vân, cở sở nội thành, nhà nằm trên khu thượng thành, gần cửa Thượng Tứ.

- Ngày 3-5-1972 di chuyển ra ở khách sạn Hương Bình ngay tại đường Trần Hưng Đaọ đối diện với vườn hoa Nguyễn Hoàng, đóng vai làm bồi phòng khách sạn. Khách sạn Hương Bình là cơ sở kinh tài của cơ quan Thành Ủy Huế.

- Ngày 4-5-1972, di chuyển đến tiệm ảnh Lê Quang cũng ở đường Trần Hưng Đaọ, tại đây còn có một hầm bí mật trong nhà.

- Sáng ngày 5-5-1972, Hoàng Kim Loan di chuyển đến nhà Lê Phước Á, giaó sư trường Trung Học Nguyễn Du, Lê phước Á có vợ là Huyền Tôn Nữ Kim Cương. Cả hai vợ chồng đều là cơ sở Trí Vận của Hoàng Kim Loan. Đây là địa điểm cuối cùng, hắn chọn nơi đây làm BCH điều khiển cuộc Tổng Nổi Dậy. Hắn là người Cộng Sản nên không tin vào tướng số, phong thủy, hắn đã chọn đúng tử địa chui vào, và gặp ngay khắc tinh của hắn là tôi, có lẽ số hắn đã tận.

Đúng 4 giờ sáng ngày 6-5-1972, Lực lượng Đặc Nhiệm xuất phát. Trước khi rời BCH tôi dặn Đại Úy Vinh là chỉ huy phó và Đại Úy Trần văn Trinh, Trung Tâm Trưỏng Trung Tâm Hành quân Cảnh Lực:

- Tôi và Ân đi đón khách quí, anh trực máy với tôi nhưng im lặng vô tuyến, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Chỉ 2 giờ sau chúng tôi trở về.

Đại Uý Trinh nói với giọng hơi lo lắng:

- Hai ông cẩn thận, lực lượng trừ bị của Đại Úy Tý đã sẵn sàng, có chuyện tôi gọi Tý điều động tiếp ứng ngay.

Ân lái, tôi ngồi bên cạnh, đoàn xe lặng lẽ rời khỏi BCH, trời vẫn còn tối. Khi đoàn xe đến Đập Đá tôi chợt nguớc nhìn phía Phu văn Lâu, bến Thương Bạc khu Hoàng Thành. Tất cả đều im lìm, mờ nhạt. Huế trong những ngày thanh bình giờ này đã có những chuyến đò dọc, xuôi nguợc trên giòng sông Hương, những chuyến đò chở đầy cát, sạn, từ huớng chùa Thiên Mụ, Nguyệt Biều, Luơng Quán xuôi về Bao Vinh, làng Sình, hoặc những chuyến đò đầy những thùng nước được lấy từ Điện Hòn Chén, chở về bán cho dân thành phố. Vào mùa hè giòng sông Huơng về phía tây thường bị nước mặn Thuận An tràn vào. Bây giờ Huế đang trong những ngày lửa đạn, chinh chiến, giờ này không một bóng đò xuôi ngược, giòng sông không một gợn sóng, lạnh lùng, âm thầm lặng lẽ trôi, giống như đời người dân Huế suốt đời an phận.

Tôi nhìn phía bên kia Đập Đá là thôn Hô Lâu, Thọ Lộc, nơi có Phủ của Ngài Đông Cung Anh Duệ Hoàng Thái Tử Cảnh, vị con trưởng của Vua Gia Long. Thuở nhỏ, anh em chúng tôi thường theo cha về Phủ trong những ngày kỵ giỗ, từ sáng tinh mơ đã có những chiếc đò nhỏ lưới cá trên dòng sông Hô Lâu, trước mặt Phủ, với giọng hò vang vọng giữa dòng sông mờ ảo: "Gió đưa cành trúc là đà. Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xuơng" nghe buồn lạ lùng. Nhưng giờ này, đi ngang qua đây, không còn nghe tiếng chuông Thiên Mụ, mà chỉ nghe tiếng đạn pháo từ Thiên Mụ vọng về, và ánh hoả châu chập chùng trên dòng sông Hô Lâu. Huế đang trong cơn binh lửa. Đoàn xe đi qua Đập Đá, Ân có vẽ trầm tư. Tôi hỏi Ân:

- Sao Ân, hồi hộp không?

- Có một tí Đại Úy.

- Không sao đâu, đừng lo. Mình sẽ tóm được hắn.

Câu nói, vừa an ủi Ân mà cũng vừa trấn an cho mình. Ân là một Sĩ Quan Cảnh Sát thứ thiệt, không phải là thứ đồ giả như tôi, biệt phái từ quân đội sang. Ân rời bỏ sân trường Đại Học Huế, chọn nghành CSQG. Xuất thân Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, Biên tập viên khoá I. Là một sĩ quan trẻ, trầm tĩnh và mưu lược, dư khả năng chuyên môn và thừa sức để chỉ huy một lực lượng Cảnh Sát Đặc Biệt đông đảo gần 2000 nhân viên.

- 4 giờ 20 phút sáng ngày 6-5-1972, chỉ còn cách mục tiêu khoảng 300 mét, Ân giảm tốc độ, tắt đèn và đậu xe sát lề đường, các xe khác tuần tự theo sau tấp vào. Lực Lượng Đặc Nhiệm đổ quân, sẵn sàng xuất phát bao vây căn nhà.

Thôn Vỹ Dạ vào sáng sớm mùa hè 72, sương mù bao phủ, ánh sáng của những ngọn đèn đường không đủ soi lối đi, tầm nhìn hạn chế. Tôi nói Ân cho lệnh đơn vị di chuyển sát vào nhau để khỏi ngộ nhận, chúng tôi di chuyển thật nhanh đến mục tiêu.

- 4 giờ 30 phút sáng, chúng tôi đã đến cổng chính của ngôi nhà.

Theo kế hoạch: Toán 1 gồm 30 CSDC, 10 nhân viên CSĐB, lực lượng bao vây căn nhà, chận cửa trước và bít cửa sau, Thiếu úy Dương văn Sỏ Trưởng ban Hoạt Vụ, và Thiếu úy Trung đội trưởng trung đôi CSDC chỉ huy. Toán 2, nỗ lực chính, do tôi và Đại úy Ân chỉ huy gồm có 10 CSDC, và 9 nhân viên CSĐB. Nhiệm vụ của toán 2 là xông thẳng vào nhà bằng cửa chính. Đây là một ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong khu vườn rộng mênh mông, với những tàn cây nhãn lồng và cây vú sữa lâu đời che khuất. Từ cổng vào nhà là con đường đất với hai hàng cây hoa ngâu chạy dọc theo lối đi, mùa này, sáng tinh mơ hoa ngâu tỏa huơng thơm phảng phất nhẹ nhàng, có một ánh đèn nhỏ le lói sau tàn cây.

Rất nhanh, và không gây một tiếng động nào, lực lượng CSDC và CSĐB của Thiếu úy Sỏ đã âm thầm vây kín căn nhà. Tôi nói rất nhỏ với Ân:

- Bây giờ đến phiên mình xông vào cửa chính. Anh chọn 2 CSDC thật mạnh, đạp cửa chính. Tôi chạy truớc. Anh và anh em phía sau. Có thể bị bọn chúng bắn ra. Nếu ai bị đạn cứ để toán sau tiếp cứu, mình phải thật nhanh không cho hắn một cơ hội nào đào thoát, hoặc tự sát.

Mọi người sẵn sàng, tôi hướng dẫn chạy trước. Đoạn đường từ cổng chính vào nhà khoảng 150 mét, chúng tôi chạy đến đích tưởng chừng như chỉ mất một giây đồng hồ. Đến cửa chính tôi vừa lách người sang một bên, cánh cửa đã bị 2 nhân viên CSDC đạp mở tung.

Mười nòng súng M16 chĩa vào 3 người đang ngồi nơi chiếc bàn nhỏ với ba tách trà. Vì sự việc xảy quá nhanh, họ không kịp phản ứng. Thần kinh tê liệt, nỗi sợ hãi đã làm cho họ tê cứng, cấm khẩu, ngồì yên bất động giống như những vị sư đang ngồi thiền.

Ba người đó là:

Trung tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan, Lê Phước Á, giáo sư trường Trung học Nguyễn Du, Lê quang Nguyện, Nghị viên Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên (Chính quyền VNCH)

Tôi nhận ra ngay người ngồi giữa là Hoàng Kim Loan, vì đã nhiều lần nhìn mặt hắn qua các bức ảnh mà các toán theo dõi đã chụp lén được. Tôi tiến ngay đến trước mặt hắn và dùng đúng ngôn ngữ cuả bọn Việt Cộng:

- Chào Trung Tá Hoàng Kim Loan, Thành Ủy Viên Thành Ủy Huế, tôi Đại Úy Liên Thành Trưởng Ty Công An Thừa Thiên-Huế. Cuộc chơi của mình chấm dứt ở đây. Ông thua rồi! Trong phút chốc, hắn lấy lại bình tĩnh và trả lời tôi:

- Ông lầm rồi Đại Úy Liên Thành. "Kẻ thua cuộc chính là ông, là đám Ngụy quân, Ngụy quyền các ông. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ nữa đây, trong ngày hôm nay, quân Giải phóng và Quân Đôị Nhân Dân sẽ tiến vào thành phố. Nhân dân anh hùng Thừa Thiên-Huế sẽ Tổng nổi dậy lật đổ chính quyền bù nhìn các anh, chính quyền Cách Mạng sẽ thành lập. Hắn còn buông câu thơ con cóc cuả ông Hồ: Mỹ thua, Mỹ chạy về Mỹ. Ngụy thua Ngụy chạy về đâu? Đại Úy Liên Thành, ông buông súng đầu hàng đi, Chính quyền Cách Mạng sẽ khoan hồng cho ông".

Hắn vừa dứt câu, tôi cảm thấy tức ngực và chóng mặt, nổi giận đến tột độ. Nếu trong đời, cho tôi đuợc phép một lần, chỉ một lần thôi, tôi sẽ chọn lúc này bóp nguyên băng M18 đang cầm trên tay. Nhưng rất nhanh, tôi chế ngự được, bình thản trả lời hắn:

- Trung Tá Loan, bây giờ đã gần 5 giờ sáng. Ông cũng đã thức dậy từ lâu, sao còn mơ ngủ, mộng du vậy. Lực lượng Giải Phóng và quân đội Nhân Dân của các ông chẳng bao giờ tiến được nửa bước vào vòng đai ngoài của thành phố Huế. Bởi vì mặt trận phía bắc thành phố, các đại đơn vị của các ông đang bị các Sư Đoàn thiện chiến Nhảy Dù, TQLC, BĐQ/ QLVNCH chận đánh tan nát bên kia bờ sông Mỹ Chánh. Mặt trận phía Tây thành phố Huế, Sư Đoàn 324B, các trung đoàn 4, 5, 6 của các ông đang bị thiệt hại năng nề và không nhích đựơc một bước khi phải giao tranh với một trong những sư đoàn thiện chiến nhất của quân lực VNCH, đó là Sư Đoàn I BB. Như vậy, ông còn gì để hy vọng lực lượng Giải Phóng, quân đội Nhân Dân sẽ vào thành phố Huế trong vài giờ nữa đây.

Nói về cuộc tổng nổi dậy sắp đến của ông và của đám nhân dân anh hùng Thừa Thiên - Huế, tôi cho ông biết sự thật ông lại càng thất vọng hơn nữa. Từ hơn 5 năm nay, hành tung của ông và đám cơ sở của ông đã bị lực luợng Công An Thưà Thiên- Huế cuả chúng tôi phát giác và theo dõi chặt chẽ. Mọi âm mưu, mọi hành động gây rối của ông, và đám cơ sở đó đã từng bị chúng tôi chận đứng. Bây giờ chỉ còn 30 phút nữa thôi, đúng 6 giờ sáng ngày hôm nay 6-5-1972, một cuộc hành quân rộng lớn khắp toàn tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã sẽ khai diễn để bắt giữ đám nhân dân anh hùng Thừa Thiên Huế của ông, đập tan cuộc Tổng nổi dậy. Các ông mang danh là lực lượng Giải Phóng, là quân đội Nhân Dân, sao lại đem hoả tiễn 130 ly, B40, Ak 47 chọn nhân dân làm mục tiêu để giải phóng, để chiến thắng cái mà ông gọi là Ngụy Quân, Ngụy Quyền, thật là hèn hạ.

Người dân Huế bây giờ hễ nghe đến quân Giải phóng, nghe đến Việt Cộng các ông là bỏ hết tài sản, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn bồng bế con ù té chạy, chạy vắt chân lên cổ, chạy bá thở ù tai, để khỏi gặp các ông. Họ đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương tang tóc trong mùa xuân năm Mậu Thân 1968. Các ông vào thành phố Huế là dân chết hàng loạt, họ chết oan chết ức, chết đứng, chết nằm, chết ngồi, chết trên bờ cây ngọn cỏ, chết trên đường lớn, đường nhỏ, chết trong hang cùng ngõ hẻm. Chính ông là thủ phạm giết hại hơn 5000 nạn nhân vô tội trong Tết Mậu Thân. Ông đã nhân danh Cách Mạng mở toà án Nhân Dân tại quận 1, 2, 3 trong thành phố Huế, xử bắn và chôn sống hàng ngàn người. Bản chất độc ác và thù hận của người Cộng Sản như ông thật quá lớn, ông đã gây oan nghiệt quá nhiều, sao không chiụ ngừng tay, bây giờ còn mưu toan tái diễn một Mậu Thân thứ 2.

Tôi xoay qua nói với tên Lê quang Nguyện:

- Ông Nghị viên, nếu tôi nhớ không lầm thì Đức Phật có dạy: "Buông dao xuống sẽ thành Phật", có đúng vậy không ông nghị viên? Sao Ông chưa chịu buông.

Hắn im lặng không trả lời. Lê Quang Nguyện là một tên Cộng Sản nằm vùng trong Phật Giáo Ấn Quang tại Huế đã từ bao nhiêu năm nay. Hắn nằm trong tổ Tôn giáo Vận của Hoàng Kim Loan. Điều oái oăm là hắn đắc cử chức Nghị Viên Hội Đồng tỉnh Thừa Thiên là do Phật Giáo Ấn Quang hổ trợ mạnh mẽ cho hắn trong kỳ bầu cử. Trở laị đấu lý với Hoàng Kim Loan:

- Bây giờ thì chắc ông đã tỉnh cơn mê . Ông chẳng còn gì để kêu gọi tôi buông súng đầu hàng, người thua trong cuộc chơi này chính là ông. Ông là gã lái buôn, buôn sinh mạng, và xương trắng máu đào cuả đồng bào vô tội, gã lái buôn đã kiệt vốn, ông còn gì nữa để mưu toan buôn bán lớn, ngừng tay đi.

Bây giờ tôi chứng minh cho ông thấy ai là người thua trong cuộc chơi này:

- Nhân danh luật pháp Quốc Gia Việt Nam Công Hoà, tôi Đại Úy Liên Thành, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế, ra lệnh Đại Úy Trương Công Ân trưởng phòng Cảnh Sát Đặc Biệt BCH/CSQG Thừa Thiên Huế bắt:

-Trung Tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan

- Giáo Sư Lê Phưóc Á

- Lê Quang Nguyện, Nghị viên Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên .

Một nhân viên CSĐB rút còng số 8 định còng tay Hoàng Kim Loan nhưng tôi cản lại:

- Không cần thiết, cứ để ông ta ngồi thoải mái với xe Đại Uý Ân, có các anh ngồi cạnh là được rồi.

Thiếu úy Dương văn Sỏ nói nhỏ với tôi và Ân:

- Đã lục soát kỹ, tịch thu được một số tài liệu quan trọng.

- Anh nhớ lập biên bản soát nhà, đúng thủ tục, luật pháp, đưa chủ nhà ký vào để tránh rắc rối sau nầy. Tôi dặn Thiếu úy Sỏ:

Xoay qua Ân, tôi nói:

- Đấu lý với hắn đủ rồi, bây giờ mình rút. Nhớ để lại một toán nhỏ bám sát cơ sở cuả hắn đến họp sáng nay, hốt hết đem về Trung Tâm thẩm Vấn. Tên Hoàng Kim Loan anh đưa về nhà an toàn, lấy lời khai sơ khởi ngay. Hai tên kia giao cho anh Sỏ đem về giao cho Trung úy Nguyễn thế Thông, Trung tâm trưởng Trung tâm thẩm vấn. Tôi về BCH, hành quân Bình Minh sắp khai diễn, sắp xếp xong mọi việc tôi sẽ đến ngay nhà an toàn đổi phiên cho anh. Chúng tôi rời khỏi địa điểm vaò đúng 5 giờ 52 phút sáng ngày 6-5-1972, trả lại sự yên tĩnh cho ngôi nhà với ánh đèn le lói và một toán CSĐB phục kích bên trong. Về đến BCH đúng 6 giờ 10 phút sáng 6-5-1972, vừa thấy tôi xuất hiện tại ngưỡng cửa của TTHQ/ Cảnh Lực, mọi người đều túa ra vây quanh, Chỉ huy Phó Trương văn Vinh là người hỏi tôi đầu tiên:

- Sao rồi ông, được không?

Tôi làm ra bộ thất vọng, nhưng rồi nói lớn:

- Bắt được rồi, cá mập.

Mọi người cùng la to vang dội cả căn phòng. Tôi kể chi tiết cuộc đột kích và đấu lý với Hoàng Kim Loan, Phó Vinh nổi nóng:

- Sao ông không cho hắn một đạp.

Lần đầu tiên tôi thấy ông Phó nổi nóng, nên nói :

- Mình dân anh hùng mã thượng, đâu cần đạp người dưới ngựa.

Vinh cười, nụ cười hiền lành giống như ông thầy giáo, mà thầy giáo thiệt. Trước đây Vinh là giáo sư trường trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, bỏ nghề dạy học vào lực lượng CSQG, xuất thân Học Viện Cảnh Sát, Biên tập viên khoá I, cùng khoá với Ân. Là một người luôn luôn nói đến nguyên tắc và luật pháp, đang học luật tại Đại học Luật Khoa Huế, vì thế mọi việc trong BCH tôi rất yên tâm giao hết cho Vinh điều hành, kiểm soát, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Tư pháp, ngoại trừ phòng CSĐB. Đang nói chuyện với mọi người, thì Trinh trao cho tôi một ly café nóng, uống một tí café đã thấy tỉnh táo. Nhiều khi trong đời người, hạnh phúc không cần tìm kiếm đâu xa, mà hạnh phúc chỉ là ly càfe nhỏ mà đồng đội trao cho, là tiếng reo hò chiến thắng của anh em trong đơn vị.

Chiến dịch Bình Minh đã khai diễn gần 2 tiếng đồng hồ. Mọi hệ thống liên lạc truyền tin từ BCH các quận đến TTHQ/Cảnh lực Tỉnh, và từ tỉnh chuyển vào BCH/CSQG Quân khu I, và Trung tâm HQ/CL Bộ Tư lệnh CSQG tại Sàigòn, đều bận rộn vì chiến Dịch Bình Minh.

Sau khi dặn Vinh và Trinh báo cáo lên Đại Tá Tỉnh Trưởng, BCH/CSQG Vùng I và BTL/CSQG Sài gòn, kết quả sơ khởi của Chiến dịch Bình Minh và vụ bắt Trung tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan, tôi rời BCH đến nhà an toàn thay Ân, bắt đầu vào việc với Hoàng Kim Loan...

(Xem tiếp bài 7)

Muc luc