Ảnh của Trần Khiêm: Một khía cạnh khác trong sự kiện “Giải Phóng Miền Nam”
Trân Văn, phóng viên RFA
2010-04-24
Trong 35 năm qua, tuy đã có khá nhiều tài liệu, phim, ảnh liên quan đến giai đoạn cuối của cuộc chiến giữa hai miền Nam – Bắc được các bên có liên quan công bố, song người ta tin rằng, vì nhiều lý do, vẫn còn nhiều tài liệu, phim, ảnh khác về giai đoạn này chưa được bạch hóa.
Một trong những nguồn tư liệu thuộc dạng đó là bộ ảnh khoảng 200 tấm của ông Trần Khiêm, từng là cựu phóng viên của hãng truyền hình CBS và hãng ABC News của Hoa Kỳ tại Việt Nam, trước tháng 4 năm 1975.
Bộ ảnh vừa kể ghi lại những hình ảnh liên quan đến sự kiện Quân Đoàn 1 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cũng như dân chúng rút khỏi Huế và Đà Nẵng hồi cuối tháng 3 năm 1975, để rồi một tháng sau đó tới lượt Sài Gòn thất thủ.
Nhân dịp ông Trần Khiêm, 78 tuổi, quyết định trưng bày bộ ảnh này tại nhật báo Việt Herald, Nam California, Trân Văn đã phỏng vấn ông Trần Khiêm...
Hình ảnh về một sự thật khác
Đã có khá nhiều bài viết, tài liệu, thậm chí tiểu thuyết, tường thuật về cuộc triệt thoái của quân đội và dân chúng miền Nam khỏi Huế, rồi Đà Nẵng hồi hạ tuần tháng 3 năm 1975, song phim, ảnh ghi lại các diễn biến liên quan đến sự kiện này không nhiều. Cũng vì vậy, bộ ảnh của ông Trần Khiêm trở thành đặc biệt.
Bộ ảnh khắc họa chi tiết Huế ra sao khi cuộc triệt thoái diễn ra và Đà Nẵng hỗn loạn, ngổn ngang thế nào vào những ngày cuối cùng của tháng 3 năm 1975.
Một phần chạy về cửa Thuận An để tàu hải quân đón về Đà Nẵng, một phần thì đi thuyền, đi ghe vào Đà Nẵng, một phần nữa - phần chính là dân chúng rút về Đà Nẵng tị nạn qua con đường đèo Hải Vân.
Ông Trần Khiêm
Bộ ảnh này cho thấy một điểm đáng chú ý là trong cuộc triệt thoái đó, không chỉ có quân đội Việt Nam Cộng Hòa rút khỏi Huế và Đà Nẵng. Đi theo họ còn rất đông thường dân. Việc hàng chục ngàn người cả lính lẫn dân ngồi xe, đi bộ, gồng gánh tài sản, con cái, thậm chí dắt cả trâu bò rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả ông bà, cha mẹ, nói lên nhiều điều mà bút mực không thể diễn đạt thấu đáo.
Bộ ảnh còn minh họa các thảm cảnh xảy ra tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng vào những ngày cuối cùng của tháng 3 năm 1975, vốn đã được nhiều bài viết, tài liệu, tiểu thuyết đề cập. Sau khi xem qua bộ ảnh này, chúng tôi đã đề nghị ông Trần Khiêm, tác giả bộ ảnh, dành cho thính giả của Đài Á Châu Tự Do ít phút:
Trân Văn: Ông đã thấy những gì vào thời điểm Quân Đoàn I phải bỏ Huế để rút vào Đà Nẵng?
Ông Trần Khiêm: Sự thật mà nói thì dân chúng và quân đội rất ngạc nhiên không hiểu tại sao.
Trước khi rút thì tôi có gặp Trung tướng Ngô Quang Trưởng một lần với ông Phó lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng. Trung tướng có nói rằng: “Chúng tôi không để mất Đà Nẵng vì chúng tôi có lệnh giữ từ đèo Hải Vân về phía Nam”. Ông hỏi tôi là: “Sao, có đi không?”. Tôi nói: “Nếu mà Trung tướng ở lại thì chắc tôi cũng phải ở lại”... nhưng mà không ngờ mất nhanh đến thế!
Khi Trung tướng về Đà Nẵng rồi thì đến ngày 20 dân chúng Huế bắt đầu tán loạn, mạnh người nào người đó đi. Tôi nghĩ do Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù rút ra khỏi Huế nên dân chúng hoảng hốt mà chạy theo. Một phần chạy về cửa Thuận An để tàu hải quân đón về Đà Nẵng, một phần thì đi thuyền, đi ghe vào Đà Nẵng, một phần nữa - phần chính là dân chúng rút về Đà Nẵng tị nạn qua con đường đèo Hải Vân.
Trân Văn: Ông nói dân chúng là tất cả dân chúng hay một phần dân chúng?
Ông Trần Khiêm: Tôi không xác nhận được. Những vùng ở thôn quê thì người ta không di tản nhưng mà thành phố Huế thì di tản 100%. Bằng chứng là tôi đã ghi nhận được bằng hình ảnh thành phố Huế bỏ trống.
Trân Văn: Thưa ông, ở thời điểm đó, phía bên kia đánh vào Huế chưa, hay cuộc rút lui bắt đầu do Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến rút ra khỏi Huế?
Ông Trần Khiêm: Lý do dân chúng hoảng hốt, dân chúng chạy vì Thủy Quân Lục Chiến với Nhảy Dù đã bỏ thành phố Huế mà rút đi trước.
Bóng ma trong quá khứ
Trân Văn: Trước đó, vào thời điểm đó và sau này, người ta vẫn nói rằng cuộc chiến do miền Bắc khởi xướng là cuộc chiến Giải Phóng Miền Nam, chống xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai, thế thì tại sao dân chúng, vốn dĩ là đối tượng được giải phóng lại bỏ đi như thế?
Ông Trần Khiêm: Theo thiển ý của tôi, tôi nghĩ cái đó rất là phức tạp. Ngày đó có một phần dân chúng chờ đón Việt Cộng, một phần thì sẵn sàng chạy. Hai phe rõ ràng như vậy nhưng mà phe ở thành phố, phe mà người ta đi một cách mạnh mẽ là vì ảnh hưởng của Mậu Thân (1968).
Trân Văn: Điều gì đã xảy ra vào thời điểm Mậu Thân ở tại Huế?
Ông Trần Khiêm: Quân giải phóng đã giết nhiều người quá thành ra dân chúng sợ. Dân chúng sợ đến nỗi nghe nói chạy là chạy thôi, chẳng cần suy nghĩ nữa, tại vì những người còn sống sau Mậu Thân ở Huế thì sống một cách là sợ hãi, chết lúc nào không biết, giống như là đàn anh, đàn chị, đàn cha của họ đã bị chết đó nên họ sợ lắm.
Trân Văn: Số người chết năm Mậu Thân tại Huế khoảng bao nhiêu?
Ông Trần Khiêm: Theo người ta đồn miệng thì là 12.000 người nhưng mà theo tài liệu, báo chí thì vào khoảng 7.000 người.
Fact box | |
|
Trân Văn: Họ chết như thế nào?
Ông Trần Khiêm: Việt Cộng dẫn họ ra bãi cát và bắt họ tự đào hầm, lấy dao chặt đầu với lấy cuốc đánh vào đầu trước khi đạp xuống hố. Người nhà đi kiếm, đi ngang qua đó nghe dưới hầm rên và đất rung lên.
Trân Văn: Ông có mặt tại Huế vào năm 1968?
Ông Trần Khiêm: Tôi có mặt ở Huế vào sáng Mùng 2 Tết 1968, lúc đang đánh nhau.
Trân Văn: Đó là sau khi cuộc thảm sát đã diễn ra hay cuộc thảm sát đang diễn ra?
Ông Trần Khiêm: Sau khi cuộc thảm sát đã diễn ra rồi tôi mới tới.
Trân Văn: Thời điểm 1968 ông đến Huế vì lý do gì?
Ông Trần Khiêm: Vì là phóng viên được chỉ định đi.
Trân Văn: Như vậy cuộc thảm sát Tết Mậu Thân là chuyện có thật?
Ông Trần Khiêm: Một trăm phần trăm có thật. Khi đào xác lên tôi còn quay phim, chụp hình được nữa.
Trân Văn: Theo ông thì sự kiện dân chúng Huế bỏ xứ vào Nam là có nguyên nhân sâu xa từ những ấn tượng kinh hoàng mà họ đã từng chứng kiến, đã từng biết vào năm 1968?
Ông Trần Khiêm: Thưa ông đúng vậy, chắc chắn 100% lòng dân Huế là như vậy đó.
Trân Văn: Ông là người Huế?
Ông Trần Khiêm: Tôi là người Huế.
Thà chết chứ không muốn được “giải phóng”
Trân Văn: Thưa ông, bây giờ quay trở lại với sự kiện năm 1975, khi mà lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến rút khỏi Huế, người dân đi theo như thế nào? Ông đã thấy những gì?
Ông Trần Khiêm: Đa số dân đi theo Thủy Quân Lục Chiến, với Dù, với quân đội là mượn đường để đi theo lính. Sự thật thì họ cũng chẳng muốn đi theo lính vì đi theo lính có thể bị phục kích nhưng mà họ phải theo, coi như lính mở đường cho dân chúng đi.
Trân Văn: Trong những tấm ảnh ông chụp ở thời điểm đó, tôi thấy có khá nhiều phụ nữ, khá nhiều trẻ em bị thương và bị chết. Tại sao họ lại bị thương và bị chết?
Ông Trần Khiêm: Lúc đó khi dân chúng chạy lẫn lộn với lính. Sự thật là lính chạy thì dân chạy theo. Họ đi không định hướng hoặc phải đi bao nhiêu ngày hoặc phải đi như thế nào, đường mở rồi là đi thôi nhưng mà không ngờ là Việt Cộng chận lính.
Quân giải phóng đã giết nhiều người quá thành ra dân chúng sợ.
Ông Trần Khiêm
Trân Văn: Trên đường ông đi từ Huế vào Đà Nẵng cùng với lính và dân thì có khoảng bao nhiêu cuộc phục kích đã xảy ra?
Ông Trần Khiêm: Tôi chứng kiến được hai cuộc phục kích, một xảy ra ở Đá Bạc, Huế, trước khi lên đèo. Cuộc phục kích chớp nhoáng thôi nhưng cũng làm thiệt hại một số lính Thủy Quân Lục Chiến và một số dân. Rồi hai ngày hôm sau, khi mà đoàn quân bắt đầu xuống đèo Hải Vân thì...
Trân Văn: Đoàn quân hay đoàn người ?
Ông Trần Khiêm: Đoàn người! Cả lính và dân cùng đi, gần xuống đèo Liên Chiểu thì bị pháo kích và họ bắt đầu tấn công thêm một lần nữa. Lần này là lần lớn nhứt, thành ra các vị đã thấy trong hình, đàn bà, trẻ con và lính chết cũng khá nhiều.
Trân Văn: Như vậy là họ pháo vào đoàn người bằng đại bác và tấn công trực diện bằng bộ binh?
Ông Trần Khiêm: Họ không dùng đại bác nhưng mà họ dùng mortier (súng cối) 82mm, 81mm và B-40.
Trân Văn: Bắn trực diện vào đoàn người?
Ông Trần Khiêm: Bắn trực diện. Họ ở hai bên đèo, đoàn người đang đi ở giữa đường, thành ra khó chống đỡ lắm.
Trân Văn: Nạn nhân chủ yếu sau những cuộc phục kích đó là ai? Là lính hay là dân?
Ông Trần Khiêm: Là lính. Họ không nghĩ là giết dân. Họ muốn chặn dân ở lại thôi, họ không cho đi theo lính hoặc là không muốn bỏ trống thành phố, tại vì họ nghĩ rằng, nếu chiếm được đất mà không chiếm được người thì cũng vô ích thôi. Nên chi cả hai trận đánh đó mục đích là chận dân lại ở với họ thôi.
Trân Văn: Thế còn Đà Nẵng thì sao? Khi đoàn người rút về đến Đà Nẵng thì tình hình Đà Nẵng vào thời điểm đó như thế nào?
Ông Trần Khiêm: Khi mà lính vào Đà Nẵng thì thành phố rất là hỗn loạn, đông nghịt người. Người nào cũng biết là thế nào cũng mất Đà Nẵng rồi thành ra người nào cũng lo kiếm phương tiện.
Từ ngày 25 cho tới 28, sân bay Đà Nẵng là một sự lộn xộn không thể nói được. Một phần thì pháo kích, một phần thì dân chúng đổ xô vào sân bay, máy bay không đáp được. Một lần máy bay đáp được thì coi như máy bay bị ăn cướp, người ta tha hồ dắt nhau lên, đến nỗi có nhiều người kẹp vào chân máy bay để ra đi.
Còn thuyền thì như là thương thuyền Trường Thành, dân chúng tràn lên không ai có thể cản được, đến nỗi con thuyền nghiêng gần chìm, quan tàu phải nói, một là bỏ con thuyền, hai là quý vị muốn chạy thì phải bớt người xuống. Những người nào không lên được thì chịu thôi.
Trân Văn: Trong tình trạng hỗn loạn đó thì nạn nhân chủ yếu là đối tượng nào?
Ông Trần Khiêm: Lúc đó thì cả dân và cả lính giống nhau.
Trân Văn: Hồi nãy, trong phần đầu cuộc trò chuyện, ông có nói, sở dĩ dân chúng thành phố Huế bỏ đi vì họ bị ám ảnh bởi cuộc thảm sát đã từng xảy ra vào Tết Mậu Thân, năm 1968, Đà Nẵng thì chưa từng có cuộc thảm sát nào như thế. Vậy tại sao dân chúng Đà Nẵng cũng muốn bỏ đi để dẫn đến tình trạng là mọi người tranh giành nhau phương tiện, nhằm tìm cách thoát ra khỏi Đà Nẵng?
Ông Trần Khiêm: Miền Trung có sự liên hệ dây chuyền: Huế - Đà Nẵng - Quảng Trị. Ví dụ như năm 1972, Quảng Trị mất thì dân chúng Quảng Trị dồn vô Huế. Bây giờ Huế mất thì dân chúng Huế dồn vô Đà Nẵng. Đà Nẵng cũng nhiều rồi mà dồn thêm cả hai tỉnh miền Trung là cả Huế cả Quảng Trị thì là quá nhiều rồi, thành ra vì lẽ đó ...
Trân Văn: Nói chung, theo ông sở dĩ cuộc di tản trở thành hỗn loạn, sở dĩ có tình trạng người ta giành giật phương tiện để thoát ra khỏi Đà Nẵng là vì người ta sợ phải sống chung, sợ sự hiện diện của quân đội Bắc Việt?
Ông Trần Khiêm: Cái đó thì tôi không khẳng định, tôi không dám nói nhưng mà hầu hết là người ta sợ chuyện sẽ xảy ra lần thứ hai như Mậu Thân.
Một phần thì pháo kích, một phần thì dân chúng đổ xô vào sân bay, máy bay không đáp được. Một lần máy bay đáp được thì coi như máy bay bị ăn cướp, người ta tha hồ dắt nhau lên, đến nỗi có nhiều người kẹp vào chân máy bay để ra đi.
Ông Trần Khiêm
Trân Văn: Trong những ảnh ông chụp và là những tấm ảnh lần đầu được công bố, người ta thấy bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng rất hỗn loạn và sau đó thì hết sức ngổn ngang.
Điều gì là ấn tượng đậm nhất cho ông trong giai đoạn cuối tháng 3 năm 1975?
Ông Trần Khiêm: Sự kiện làm cho tôi khủng khiếp nhứt, không làm sao tôi quên được là từ ngày 28 cho đến ngày 29 tháng 3, tôi chứng kiến trẻ con và dân chúng rớt xuống sông nhiều quá, khi giành nhau để leo lên con thuyền. Họ rớt xuống sông trong đêm tối và nước chảy xiết quá, rồi trôi mất, người ta chỉ đứng trên tàu khóc lóc và la ó thôi chứ không làm gì được cả.
Vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 28, con tàu bắt đầu rời bến mang theo 12.000 người đi về Nam ...
Trân Văn: Tại sao theo đoàn người di tản từ Huế vào đến Đà Nẵng, tận mắt chứng kiến nhiều thảm cảnh trên con đường di tản nhưng ông lại không công bố những hình ảnh ông đã chụp, phải đợi cho đến ngày hôm nay ?
Ông Trần Khiêm: Thưa anh, đó là nỗi khổ tâm của tôi. Tôi mà “show” (trưng bày) lên thì coi như bôi nhục chính phủ... Vì vậy mà tôi nghiến răng, tôi giữ cho đến ngày hôm nay.
Đã 35 năm qua rồi, nó nguội lạnh rồi, tôi khơi lại một tí để cho con cháu nó biết là mình khổ như vậy, mới có sự ra đi như thế này. Mình phải trả giá thật đắt. Cha ông chúngta phải trả giá quá đắt.
Theo dự tính, cuộc triển lãm bộ ảnh ghi lại những hình ảnh liên quan đến sự kiện quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cũng như dân chúng rút khỏi Huế và Đà Nẵng hồi cuối tháng 3 năm 1975 của ông Trần Khiêm sẽ diễn ra trong ba ngày, từ 30 tháng 4 đến 2 tháng 5, tại hội trường nhật báo Việt Herald, Nam California, Hoa Kỳ.
Quý vị có thể xem qua một số hình ảnh trong bộ ảnh này trên trang web của Ban Việt ngữ Đài Á châu Tự do