Thursday, June 4, 2009

Biến Động Miền Trung 12

Biến Đng Min Trung 12

Tác Giả: Liên Thành

Phần 12

Là một vị lãnh đạo Phật Giáo Ấn Quang tại Miền Trung sau 1968, với tấm lòng từ bi, trong mọi tình huống gay cấn, khó khăn giữa giáo hội và Chính quyền, Hòa Thượng vẫn luôn luôn chủ trương hoà giải, mặc dầu Hoà Thượng vẫn thường xuyên gặp áp lực nặng nề của những tín đồ quá khích và đám cơ sở Việt Cộng nằm vùng trong Giáo Hội.

Tôi được Hòa thượng tiếp tại nhà hậu trai, sau khi trình bày rõ ràng nội vụ, và để Hòa thượng xem lời khai của Thích như Ý và đồng bọn, cùng một số tin tức, tài liệu quan trọng trong đó có bốn tấm không ảnh. Tôi kết luận:

- Bạch Thượng tọa, lời khai của họ đã rõ ràng, đủ yếu tố đưa họ ra Tòa, hoặc Hội đồng An ninh Tỉnh. Nếu cần con có thể mở cuộc họp báo để bạch hoá hồ sơ, công bố chi tiết nội vụ cho báo chí và đồng bào rõ đâu là sự thật.

Tôi hỏi Thượng Tọa Thích Mật Nguyện:

- Bạch thầy, cứ mỗi lần Lực Lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế phá vỡ một tổ chức Việt Cộng và bắt giữ một số cơ sở nội thành của tổ chức đó, thì Giáo Hội tại Huế lại biểu tình chống đối và cho đó là hành động đàn áp Phật Giáo. Vậy những người biểu tình đó họ là ai? Đang ở chiến tuyến nào? Bắc hay Nam vĩ tuyến 17? Thượng tọa ngồi trầm ngâm suy nghĩ, cuối cùng ông nói với tôi:

-Con đã biết trong Giáo Hội tại Huế nguời của bên kia cũng nhiều, khó mà kiễm soát được họ. Nhưng thôi, Thầy không muốn đề cập đến chuyện này. Các cuộc biểu tình vừa rồi, không phải Giáo hội hành động, mà là một nhóm phật giáo đồ, khi nghe tin chùa Trà Am bị lục soát và thầy Thích như Ý bị chính quyền bắt, họ hấp tấp tự động tổ chức biểu tình phản đối. Họ chẳng cần xin lệnh của Giáo hội, chẳng có lệnh của thầy. Mọi chuyện có thể trở nên trầm trọng hơn, thôi thì mỗi bên nhường nhịn nhau một tí. Thầy sẽ cho họ biết rõ nội vụ và yêu cầu họ chấm dứt biểu tình. Phần con, cũng nên tha cho thầy Như Ý và mấy người đó đi, hoá giải tất cả.

- Bạch thầy, thật khó cho con. Thầy Thich Như Ý và mấy người kia là cơ sở và cán bộ an ninh nội thành Việt Cộng. Họ đang mưu toan và đã có kế hoạch đặt chất nổ phá hoại, và giết hại dân lành, họ phải bị truy tố ra toà.

Thượng toạ cắt ngang lời nói của tôi:

- Thôi được, mấy người kia là chuyện ngoài đời, thế tục, thầy không muốn nhúng tay vào. Riêng thầy Thích Như Ý, con tha cho ông ta. Con có muốn thầy đứng bảo lãnh cho thầy Như Ý không?

- Dạ, không dám. Con chỉ có thể hứa với thầy và sẽ làm đúng lời hứa là thay vì đưa thầy Như Ý ra toà, con sẽ đưa ra Ủy Ban An ninh Tỉnh, với đề nghị thật nhẹ. Nhưng 6 người kia con vẫn lập thủ tục giải toà. Lời hứa thứ hai là sẽ không tổ chức họp báo công bố nội vụ, nhưng với điều kiện sẽ không có cuộc biểu tình nào nữa vào ngày mai.

- Con yên tâm đi, thôi con về. Xe để ở đâu? Con ra cửa sau, cẩn thận đừng để ai thấy. Thiên hạ lại tung tin thầy có quan hệ với ông Liên Thành, với Mỹ. Ngoại trừ chuyện quan trọng, khẩn cấp, bình thường, con cứ nói thằng Bích lên gặp thầy là được rồi.

'Thằng Bích' là chú tiểu Bích, tu đạo tại chùa này, chùa Linh Quang, không biết từ hồi mấy tuổi, nhưng năm tôi học tiểu học trường Nam Giao, tôi đã chơi thân với chú tiểu Bích, vì gia đình tôi ở ngay trong vườn lăng Cụ Phan Bội Châu, chỉ cách chùa Linh Quang một con đường nhỏ. Tôi thường vào chùa rủ hắn đi đánh bi với đám bạn trong xóm Từ Đàm- Linh Quang.

Hắn tu chưa lên được chức Đại đức thì giai nhân xuất hiện, người đẹp là em ruột của thầy Thích Mật Nguyện. Hắn phải lòng người đẹp nên ốm tương tư, cuối cùng xin cởi áo tu, hoàn tục, và xin Thuợng Tọa Thích Mật Nguyện cưới nguời đẹp làm vợ, một mái lều tranh hai quả tim... chì cạnh chùa Linh Quang.

Năm 1966, khi tôi về Cảnh Sát thì gặp hắn chững chạc trong bộ cảnh sát sắc phục. Tôi rút hắn về văn phòng tôi, thường đi với tôi trong mọi công tác. Hoàn tục đã lâu, nhưng chiếc đầu vẫn trọc lóc không một sợi tóc. Tôi thăng cấp tu hành cho hắn, thường gọi hắn là 'Thượng Tọa Bích'. Hắn chỉ nhăn răng cười mà không cự nự. Hắn là một gạch nối giữa tôi và Hoà Thượng Thích Mật Nguyện trong những công việc cần dàn xếp giữa chính quyền và Giáo Hội.

Ngày 28-2-1975, khi Việt Cộng chiếm Huế, Bích là chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia đầu tiên của lực lượng CSQG ThừaThiên -Huế rút súng bắn vào đầu tự sát ngay dốc Bến Ngự, cách chùa Linh Quang không xa.

Ngày nay cứ mỗi độ 30 tháng 4 về, anh em chúng tôi thường nhắc đến anh: Nguyễn Văn Bích với tấm chân tình kính trọng một vị anh hùng liệt sĩ Cảnh Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế. Xin cầu nguyện cho anh đời đời yên nghỉ ở cõi Niết Bàn, nơi mà anh đã chọn tìm đến từ thuở tuổi ấu thơ. Vĩnh Biệt Nguyễn văn Bích... 'Thượng tọa Bích'.

Trở lại chuyện Thích như Ý:

Ngày hôm sau, 22-5-1971, hồ sơ Thích Như Ý, và sáu người kia được chuyển qua Hội Đồng An ninh Tỉnh truy tố tội danh, với đề nghị:

- Thích như Ý : 3 tháng.
- Sáu người kia: 2 năm tái xét.

Cuộc biểu tình chấm dứt kể từ 10 giờ sáng ngày 22-5-1970. Tưởng mọi chuyện đã yên ổn, nhưng lại không bình yên. Ba ngày sau, 26-5-1970 khoảng 9 giờ sáng viên Cố vấn CSĐB gặp tôi:

- Đại úy Thành, ông gặp rắc rối rồi, một tí thôi.

- Chuyện gì xảy ra? Tôi ngạc nhiên hỏi ông ta.

Ông ta nói:

- Nội trong ngày hôm nay, có thể là hai, hoặc ba giờ chiều, Thiếu Tuớng Phong, Tư Lệnh của ông, cùng với một phái đoàn cao cấp của Chính Phủ Sàigon sẽ gặp ông, để điều tra Vụ Chùa Trà Am.

Quả đúng như lời của viên cố vấn CSĐB. Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, điện thoại reo, đầu đây bên kia là giọng nói của Thiếu úy Chính, Trưởng Ban an ninh phi trường Phú Bài:

- Đại úy, em Thiếu úy Chính, Đại úy giữ máy. Thiếu tướng Tư lệnh muốn nói chuyện với Đại úy.

- Allo! Thiếu tướng Tư lệnh đây Liên Thành. Thiếu tướng đang ở phòng khách của phi trường Phú Bài. Em đem hết hồ sơ vụ chùa Trà Am xuống đây gặp Thiếu Tướng.

- Em nhận rõ Thiếu Tướng. Xin Thiếu Tướng cho em khoảng 30 phút em sẽ trình diện Thiếu Tướng.

Hơn ba mươi phút sau tôi có mặt tại phòng khách danh dự phi trường Phú Bài. Mọi người đang đợi tôi trong phòng khách danh dự, gồm có:

- Thiếu Tướng Trần Thanh Phong, Tư lệnh CSQG

- Đại Tá Nguyễn Khắc Bình, Giám đốc Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo

- Một Đại Tá thuộc Cục An ninh Quân Đội (nếu tôi nhớ không lầm là Đại Tá Nhuận)

- 4 sĩ quan cao cấp của Khối CSĐB/ BTL.

Sau khi tôi chào Thiếu Tướng Tư Lệnh và các sĩ quan trong phái đoàn, Thiếu Tuớng Tư lệnh nói với tôi:

- Vì không có thì giờ, nên Thiếu Tướng gặp em ở đây, dịp khác Thiếu Tướng sẽ thăm BCH. Bây giờ em trình bày cặn kẽ vụ chùa Trà Am cho Thiếu Tướng và phái đoàn rõ.

Tôi hiểu ngay đây là một cuộc điều tra. Thân phận của tôi chỉ là một hạt bụi nhỏ trong cơn lốc chính trị giữa hai luồng áp suất mạnh: Phật giáo và Chính phủ trung ương, vì Thích như Ý là anh ruột của Ngài Hoà Thượng Thích Trí Thủ Tổng thư Ký Viện Hoá Đạo Phật Giáo Ấn Quang tại Sàigòn. Tôi bắt đầu trình bày từng chi tiết một, diễn biến vụ chùa Trà Am:

1- Khởi đầu, cơ quan Tình báo quân đội Hoa Kỳ(CID), bộ phận kiểm thính báo cho tôi biết có điện đài Việt Cộng phát tuyến nhiều lần tại Chùa Trà Am. Sau đó CID lại chuyển tiếp cho tôi 4 bức không ảnh do phi cơ thám thính của CID chụp được, phát hiện một toán 3 tên Việt Cộng có võ trang đang đứng sau nhà Hậu trai của Chùa Trà Am.

2- Tôi chỉ thị cho phòng CSĐB đặt trạm theo dõi gần Chùa Trà Am, và sau đó phát giác một số cơ sở nội thành Việt Cộng vào ra ngôi chùa. S ố cơ sở này chúng tôi đã biết từ trước, vì hiện đang nằm trong một vài chiến dịch xâm nhập của phòng CSĐB.

3- Trước ngày 18-5-1970, nguồn tin nội tuyến từ trong lực lượng Học Sinh, Sinh Viên, Giải Phóng thành Phố Huế của Việt Cộng báo tin: 'Sẽ có một phiên họp quan trọng tại Chùa Trà Am vào tối ngày 18-5-1970'

4-Vào lúc 6 giờ 30 sáng ngày 19-5-1970, bao vây chùa Trà Am và bắt giữ một nữ cán bộ an ninh thành, tên Lê Thị Út, sáu cơ sở Việt Cộng trong đó Thích Như Ý.

5- Sau khi thẩm vấn, tất cả người này đều nhìn nhận họ hoạt động cho cơ quan An ninh Thành Ủy Huế và mục đích của buổi họp này là lên kế hoạch đặt chất nổ một vài địa điểm trong thành phố như: Ty Bưu Điện, Ty Ngân Khố, Toà Hành Chánh Tỉnh và 2 rạp chiếu bóng Tân Tân, và Châu Tinh.

6- Tang vật tịch thu được gồm có: một số tài liệu quan trọng, trong đó có bản Nghị Quyết mới nhất của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau đó theo hướng dẫn của nữ cán bộ Lê Thị Út, thuộc cơ quan An Ninh Thành ủy Huế, Đại Úy Trưởng Công Ân, Trưởng phòng CSĐB đã tịch thâu được khoảng 6kg chất nổ TNT và 8 ngòi nổ chậm, tại vùng nghiã trang gần núi Ngự Bình mà y thị chuyển từ mật khu về Chùa Trà Am và sau đó đem cất dấu tại địa điểm trên, chờ họp xong chỉ cho năm cơ sở kia đến lấy để thi hành công tác phá hoại. Ngoài ra, vì khu chùa quá rộng không thể tìm được điện đài họ cất dấu ở đâu.

Trong khi tôi thuyết trình, một trong bốn sĩ quan BTL ngồi ghi chép. Một người khác lâu lâu lại rờ vào tay nắm của chiếc cặp để cạnh ông ta. Tôi mỉm cười nhìn ông, và ngưng thuyết trình, ghé vào tai ông ta nói nhỏ:

- Ông khởi lo, tôi sẽ nói lớn hơn để ông thâu cho rõ.

Như một đứa trẻ ăn vụng bị bắt gặp, nét mặt ông ta thẹn thùng, vì bên trong chiếc cặp là một máy thâu băng. Không hiểu ông ta đã được huấn luyện bao nhiêu khoá Tinh báo, mà hành sự quá tệ. Sau gần 30 phút trình bày nội vụ, tôi ngưng cuộc thuyết trình, và trình Thiếu Tướng Tư Lệnh, cùng phái đoàn hồ sơ liên hệ nội vụ gồm có:

a- Tin tức của cơ quan Quân báo Hoa Kỳ (CID) về điện đài phát tuyến tại Trà Am.

b- Bốn tấm lớn không ảnh mà máy bay không thám CID chụp về đêm phát hiện toán võ trang Việt Cộng tại sau nhà hậu trai chùa Trà Am.

c- Lời khai của Thích như Ý và đồng bọn.

d- Tài liệu mật đã tịch thu được trong đó có bản nghị quyết mới của Trung ương đảng Cộng sản.

e- Ảnh chụp tang vật: 6 kg chất nổ TNT và 8 ngoài nổ chậm

f- Bản báo cáo của cơ sở nằm vùng trong tổ chức Học sinh, Sinh viên Giải Phóng thành phố Huế về phiên họp sắp xảy ra tại chùa Trà Am.

g- Hồ sơ cá nhân của tình báo viên nằm vùng trong tổ chức Học sinh, sinh viên Giải phóng thành phố Huế . [Để bảo mật, và bảo vệ sinh mạng cho tình báo viên, tôi chỉ trình riêng hồ sơ này với Thiếu tướng Tư lệnh mà thôi,. Sau khi Thiếu Tướng xem xong, tôi lấy lại ngay, không để bất kỳ một ai trong phái đoàn được đọc hồ sơ này].

Tôi tiếp tục:

- Trình Thiếu Tướng và quí vị trong phái đoàn. Số tang vật 6Kg chất nổ TNT và 8 ngoài nổ chậm tôi có mang theo xuống đây, hiện đang để ngoài xe, nếu quí vị muốn xem tôi đem vào.

- Không cần đâu Liên Thành, Thiếu tướng muốn hỏi em một câu nữa: Tại sao Phật giáo ngưng biểu tình?

Tôi trình bày nội dung cuộc tiếp xúc của tôi với Ngài Hoà Thượng Thích Mật Nguyện, Chánh đại diện Phật giáo miền Trung, và kết luận:

- Hai bên cùng thuận với những điều kiện được nêu ra nên cuộc biểu tình chấm dứt.

Tôi hiểu phần trình bày của tôi đến đây đã quá đủ, và Thiếu Tướng Tư lệnh cũng cần bàn bạc riêng với phái đoàn, nên tôi xin phép Thiếu tướng Tư lệnh ra ngoài. Hiểu ý tôi, ông gật đầu. Rời phòng khách danh dự, đứng ngay cửa dành cho hành khách ra phi cơ, tôi ngước nhìn trời xanh, mây trắng, lòng thấy thanh thản, nhẹ nhàng như trút đi được bao nhọc nhằn căng thẳng đã gần cả tuần nay, khi đối đầu với vụ chùa Trà Am, và bây giờ với phái đoàn điều tra hỗn hợp: BTL/Cảnh Sát, Phủ Đặc ủy Trung Ương Tình Báo, Cục An Ninh Quân Đội. Tôi tự hỏi: Chẳng lẽ vụ này đụng chạm quá lớn, chính phủ phải cử phái đoàn điều tra hư thực? Chẳng lẽ mình hành động sai? Tôi không chủ quan, nhưng không tìm thấy chỗ nào sai. Bắt một kẻ đội lốt tu hành hoạt động cho Việt Cộng, một nữ cán bộ an ninh Thành Ủy Huế và 5 cơ sở của y thị, cùng tài liệu và chất nổ, lục soát một nơi có chỉ dấu Việt Cộng đặt điện đài ngay tại chùa Trà Am, lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế đã phá vỡ kế hoạch của bọn chúng đang mưu toan đặt chất nổ vào các cơ sở của chính quyền, và gài chất nổ giết hại dân chúng trong hai rạp chiếu bóng tại thành phố Huế. Chúng tôi, lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế đã làm đủ, và đúng trong trách nhiệm mà chính phủ giao phó: - Duy trì luật pháp Quốc Gia, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào. Vậy sai ở chỗ nào, ở điểm nào? Mà nếu đã không sai, thì sao lại có phái đoàn điều tra? Tôi tự hỏi mà vẫn không tìm ra đáp số đúng. Mãi suy nghĩ, thì ông chuyên viên thâu băng ra gặp tôi:

- Đại úy, Thiếu Tướng gặp anh, và ông ta tự giới thiệu:

- Tôi, Thiếu tá C. . . khối CSĐB/BTL. Đại úy Ân khá không?

Có lẽ ông Thiếu tá này muốn nói cho tôi biết ông ta là cấp trên của Ân trong khối CSĐB/BTL. Nhìn dáng dấp và hành động vụng về của hắn khi thâu băng lén trong phòng họp, tôi thật tình không có cảm tình:

- Hân hạnh gặp Thiếu tá, Trương Công Ân là một nhân tài, một chuyên viên tình báo lỗi lạc, trong Khối CSĐB/BTL khó có người so sánh với Trương Công Ân.

Hắn không đến nỗi tối dạ không hiểu tôi đang nói móc hắn, hắn lảng sang chuyện khác:

- Mình vào kẻo Thiếu Tướng đợi.

Không khí trong phòng khách danh dự bây giờ có vẻ nhẹ nhàng hơn, không như lúc đầu. Vừa thấy tôi Thiếu Tướng Tư lệnh nói ngay:

- Liên Thành, Thiếu Tướng và phái đoàn phải trở vào Saigòn bây giờ. Vụ Trà Am, Thiếu tướng và phái đoàn đã hiểu rõ.

Tôi đưa Thiếu Tướng và phái đoàn ra phi cơ, trước khi bước lên phi cơ Thiếu tướng Tư lệnh nói với tôi:

- Huế khó lắm, em chu toàn công việc như vậy là tốt lắm rồi, gắng lên. Về ông Như Ý cũng nên nhẹ tay cho ông ta một phần nào.

Mọi người lần lượt bắt tay tôi bước lên máy bay, Đại Tá Nguyễn Khắc Bình siết mạnh tay tôi. Tôi hiểu đó là cử chỉ biểu lộ sự thông cảm và thấu hiểu mà ông dành cho tôi, tôi nói vừa đủ để ông nghe:

- Cám ơn Đại Tá.

Phi cơ cất cánh, để lại một làn khói trắng phía sau giữa bầu trời trong xanh, và cũng để lại trong lòng tôi những suy tư ưu phiền: "Mình đã hành động đúng hay sai?" Tôi đi vào bên trong, vừa đi vừa suy nghĩ mông lung, mãi không để ý, một thân hình to lớn chấn ngay lối đi của tôi. Nhìn lên, viên Cố vấn CSĐB đã đứng chắn trước mặt tôi từ hồi nào. Một thoáng ngạc nhiên tôi hỏi anh ta:

- Anh đến hồi nào?

- Chỉ sau Đại úy năm, mười phút.

- Làm gì?

- Tôi nhận lệnh xuống đây, tôi tưởng họ đã đem ông theo vào Sàigòn, cũng may họ giữ đúng lời.

- Tại sao?

- Có lẽ còn quá sớm để ông biết rõ chuyện này.

Dân ngoại giao, tình báo thường hay nói nửa vời, hiểu sao thì hiểu, tôi cũng chẳng muốn hỏi thêm.

- Đại úy, tôi biết ông bây giờ vừa đói và mệt, mình vào Câu lạc bộ của Sư Đoàn USMC ăn một tí gì, sau đó tôi dẫn ông đi gặp bác sĩ khám bệnh cho ông.

- Đói và mệt thì có, nhưng bệnh thì không. Như anh biết, vụ Trà Am, năm, sáu ngày nay tôi và một số anh em đã quá mệt.

Rời khỏi Câu lạc bộ của Sư Đoàn USMC tại căn cứ Phú Bài, tôi cùng viên Cố vấn vào bệnh viện dã chiến. Khi tôi tỉnh dậy thấy mình đang ở trong một thế giới xa lạ, tưởng là nằm mơ, chung quanh tôi toàn là thương bệnh binh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, viên cố vấn CSĐB đã đứng cạnh giường tôi, tôi hỏi hắn:

- Sao tôi lại ở đây, đây là đâu, bao lâu rồi?

- Bệnh viện dã chiến của USMC. Ông đã ở đây gần hai mươi bốn giờ.

Tôi giật mình nói với hắn:

- Thôi chết. Vậy ai lo công việc ở BCH. Anh em họ đâu biết tôi đi đâu.

- Ông khỏi lo, mọi việc tôi đã báo cho Đại úy Ân sau khi ông vào đây. Không có chuyện gì quan trọng xảy ra trong hai mươi bốn giờ qua.

Tôi thắc mắc hỏi hắn:

- Nhưng tại sao lại bỏ tôi ngủ lâu như vậy?

Vẫn câu trả lời nửa vời:

- Tôi sẽ giải thích với ông sau.

Làm việc chung với những người này, những gì họ không muốn nói có cạy răng họ cũng không nói, thôi đành bỏ qua.

Ngoại trừ Đại úy Ân, chẳng một ai trong BCH biết đuợc tôi đã nằm bệnh viện dã chiến của USMC tại căn cứ Phú Bài gần một ngày một đêm.

Sáu năm sau, 1976 tôi gặp lại viên Cố vấn tại Hoa Kỳ, hỏi lại chuyện xưa thì hắn thong thả kể cho tôi nghe:

- Ngày đó họ có ý định gọi anh về Phú Bài và bắt giữ anh đem vào Sàigòn ngay để điều tra. Một trong bốn sĩ quan của BTL đi theo ông Tướng sẽ thay thế anh. Nhưng sau khi nghe anh thuyết trình, họ thấy không có lý do nào để bắt anh, vì thế mà họ ra về tay không. Người giúp anh hôm đó chính là anh. Chúng tôi rất lo cho anh, nhưng chỉ giúp anh một phần nào thôi. Còn việc anh vào nằm bệnh viện, thứ nhất là để anh phục hồi sức khoẻ, thứ hai là để bảo vệ anh, có vậy thôi.

Tôi tạm dừng ngang đây vì chuyện hắn kể tôi không thể kiễm chứng làm sao biết đúng hay không.

Tôi trở lại tiếp tục lời khai của Hoàng Kim Loan trong đối tượng Phật Giáo tại Huế.

- Thích Thiện Lạc và ngôi Chùa An Lăng.

Hoàng kim Loan khai: Chùa An Lăng là trạm giao liên quan trọng của cơ quan Thành Ủy Huế, và Thích Thiện Lạc trụ trì chùa này là một trong những cơ sở nòng cốt của Hoàng Kim Loan. Thiện Lạc có 12 năm tuổi đảng, do chính hắn kết nạp Thiện Lạc vào Đảng Cộng Sản từ năm 1960. Dân chúng và tín đồ trong vùng An Lăng thường quen miệng gọi ông ta là Thầy Ngoạn.

Ngôi chùa An Lăng này nằm về phía tây nam thành phố Huế, chỉ cách thành phố khoảng hai cây số, đối diện với trụ sở xã Thủy Phước, cách làng Phủ Cam khoảng một cây số và nằm gần lăng Vua Dục Đức và Vua Thành Thái tại làng An Lăng. An Lăng là một xóm nhỏ cạnh núi Ngự Bình, nằm trên trục xâm nhập của cán bộ thành từ vùng Tứ Tây, Ngũ Tây về thành phố Huế.

Lời khai của Hoàng Kim Loan về ngôi chùa và ông thầy Ngoạn, đã phù hợp với tin tức và hành động của chúng tôi vào gần cuối tháng 12/1970.

Vào ngày 17/12/1970, nguồn tin tình báo viên xâm nhập gởi về cho hay Thiếu Tá Việt Cộng Nguyễn Đối, bí danh Thanh Bình, thuộc ban An Ninh Thành ủy Huế và một toán đặc công thành sẽ về ém quân trong ngôi chùa này vào khuya ngày 23/12/1970, để tối hôm sau, vào đêm Noel 24/12/1970 lợi dụng hàng ngàn người đi xem đèn, xem máng cỏ Chúa Hài Đồng tại xóm đạo Phủ Cam, bọn chúng sẽ trà trộn vào đám đông và bất thần tung cuộc đột kích vào trụ sở xã Thủy Phước để tạo tiếng vang.

Tôi họp ban tham mưu soạn thảo kế hoạch hành quân phục kích ngay tại ngôi chùa An Lăng. Ưu tiên một là bắt sống tên Thiếu Tá Việt Cộng An Ninh Thành ủy Huế Nguyễn Đối. Nếu tình huống không thuận tiện thì tiêu diệt toàn bộ bọn chúng.

Cuộc phục kích này sẽ do tôi chỉ huy, với 9 nhân viên CSĐB. Họ là những quân nhân có kinh nghiệm hành quân tác chiến, là những đồng đội của tôi đã theo tôi từ Nam Hoà biệt phái về CSQG từ 1966.

Tôi đích thân chỉ huy cuộc phục kích này vì 3 lý do:

- Đây là cuộc phục kích ngay trong chùa, mà hậu quả có thể đụng chạm lớn đến tôn giáo, và nhất là niềm tin của Phật giáo đồ, hậu quả thật khó lường.

- Tôi là sĩ quan quân đội, đã từng là Đại đội trưởng tác chiến. Ít nhiều thì tôi vẫn có kinh nghiệm về hành quân, phục kích, chạm địch, hơn anh em Sĩ quan Cảnh sát Quốc Gia.

- Đây là một trách nhiệm nặng nề, và có thể đụng chạm đến Phật Giáo. Tôi là cấp chỉ huy, phải nhận lãnh mọi hậu quả về hành động này, tôi không muốn anh em thuộc cấp dính vào.

Đại úy Ân trưởng Phòng CSĐB phái một nữ nhân viên thuộc Biệt Đội Thiên Nga và một nam nhân viên CSĐB, đóng vai cặp tình nhân viếng cảnh chùa. Họ có nhiệm vụ quan sát tỉ mỉ và ghi nhớ về vẽ lại sơ đồ ngôi chùa từng chi tiết một, từ ngôi chánh điện, khu nhà trai, ngõ trước, cửa sau, tóm lại không bỏ sót một điểm nhỏ nào.

Tôi cũng họp với Cố vấn CSĐB, và viên Thiếu Tá Cố Vấn chương trình Phụng Hoàng, báo cho họ biết kế hoạch của tôi và yêu cầu họ nếu có thể được, cung cấp cho tôi một số không ảnh vùng chùa An Lăng, để tiện nghiên cứu, hướng và đường đột nhập vào chùa của tên Thiếu Tá Đối và đám đặc công của hắn, hầu tôi có thể đặt toán phục kích đúng hướng bọn chúng đi vào.

Bốn ngày sau, 21/12/1970, tôi đã có tấm họa đồ với đầy đủ chi tiết do Đại úy Ân cung cấp và 6 tấm không ảnh do cố vấn phòng CSĐB cung cấp. Như vậy đã quá đủ đồ nghề dư sức chơi với đám giặc cỏ.

Sau khi nghiên cứu, tôi quyết định sẽ bố trí toán phục kích nằm về hướng bắc của sân chùa vì huớng nam sân chùa là con đường mòn, nối liền từ cồn mã phía ngoài vào chùa. Bọn Việt cộng sẽ dùng con đường này để đi vào, và như vậy khi toán phục kích của chúng tôi nổ súng thì đạn đạo sẽ đi từ hướng bắc xuyên ngang sân chùa về hướng nam không đụng vào chùa.

Đêm 23/12/1970, 19 giờ 10 lực lượng của chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi có 3 tổ, mỗi tổ 3 nhân viên, theo kế hoạch bố trí hàng ngang, nằm về phía bắc sân chùa. Tôi ở tổ 1, nằm ở vị trí đầu của toán phục kich. Tất cả được trang bị M16, và không mang theo lựu đạn, vì địa thế hẹp không thể xử dụng, và có thể gây hư hại nặng cho chùa.

Lực lượng trừ bị cho tôi có hai trung đội CSDC, và 20 CSĐB do Đại úy Tý, và Đại úy Ân chỉ huy, trực tại BCH sẵn sàng tiếp ứng khi tôi yêu cầu.

Khoảng gần 20 giờ 15 ngày 23/12/1970, chúng tôi xuất phát từ BCH. Huế vào những ngày gần lễ Giáng Sinh trời thật lạnh. Ai đã từng ở Huế mới thấm được cái lạnh của Huế. Lạnh cắt da, lạnh luồn vào thân thể, mặc bao nhiêu áo cũng không đủ ấm. Đêm nay quá lạnh, lại có từng cơn mưa nhẹ, vì đi phục kích nên chúng tôi không một ai mặc áo mưa.

An Lăng là một xóm nghèo hầu như mọi nhà đều không có đèn điện, chỉ ánh đèn dầu le lói bên trong. Chúng tôi đổ quân cách ngôi chùa khoảng gần một cây số, len lỏi vào bóng đêm vắng lặng, chúng tôi tiến dần đến mục tiêu, thời gian di chuyển chỉ khoảng gần hai mươi phút. Nhìn đồng hồ dạ quang, bây giờ là 21 giờ 20, chúng tôi đã ở sát hông chùa. Ngôi chùa nằm im lìm trong bóng đêm, chỉ có hai ánh đèn nhỏ bên trong khu nhà hậu trai. Từng tổ một, chúng tôi âm thầm tiến vào vị trí phục kích. Tôi khom người nhẹ nhàng đến từng tổ kiểm soát và nhắc lại một lần chót, rất nhỏ:

- Tôi sẽ khai hỏa trước. Địa thế quá chật, cẩn thận kẻo bắn lầm nhau. Không được ho, không được hút thuốc.

Tôi trụ về tổ 1, tổ chúng tôi có bốn người, dưới cơn mưa, lạnh, ngồi sát vào nhau cho ấm và chờ đợi...

Mưa vẫn tiếp tục, thật lạnh, và bóng đêm dày đặc, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe tiếng chó sủa từ thôn xóm xa vọng lại. Im lặng và chờ đợi...

21 giờ 50 phút có tiếng động ở phía nhà hậu trai, cánh cửa bật mở, một người từ trong nhà hậu trai bước ra, tay cầm cây đèn dầu trên tay, ánh đèn dầu soi rõ mặt người đó, tôi giật mình: Ông Thầy Ngoạn ! Thầy Thích Thiện Lạc. Ông ta cầm cây đèn dầu đi một vòng chung quanh chùa rồi trở vào bên trong nhà hậu trai kép cửa lại.

22 giờ 30 phút, cánh cửa nhà hậu trai lại mở, lần này thầy cầm cây đèn đưa cao lên và đi ra sân chùa, tiến về phía bắc sân chùa, chỉ cách chúng tôi một thân cây cổ thụ to lớn. Chúng tôi đang bố trí phía sau thân cây, sát bụi hoa bông cẩn, ông ta dừng lại để cây đèn xuống đất, vén áo cà sa, thoải mái tè vào gốc cây cổ thụ Mộc lan, tè xong ông lại cầm đèn trở lại nhà hậu trai khép cửa. Chúng tôi ngồi cứng người, nín thở chỉ sợ ông ta phát giác, nhưng may ông ta không thấy chúng tôi.

23 giờ 10 phút, lần thứ 3, thầy Ngoạn lại mở cửa cầm đèn đi hai vòng quanh chùa, lại trở vào nhà hậu trai. Có lẽ đây là lần cảnh giới thứ ba của ông ta, và hai lần cầm đèn đi chung quanh chùa là dấu hiệu báo cho Việt Cộng biết tình hình an toàn, bọn chúng có thể vào chùa.

Chúng tôi vẫn ngồi co mình chờ đợi. Tiếng chó bắt đầu sủa dồn cuối xóm An Lăng, từ hướng Nam. Tôi nói nhỏ cho Trung sĩ Ánh sát tôi, chuyền cho các tổ sau chuẩn bị, có thể bọn Việt Cộng sắp xuất hiện.

Khoảng mười phút sau, ba bóng người xuất hiện, ba tên Việt Cộng tổ tiền sát. Bọn chúng mặc quần đùi, tay cầm súng tiểu liên AK di chuyển chậm và nhẹ nhàng không nghe tiếng động. Ba tên túa ra ba góc cuối sân chùa quan sát. Khoảng ba phút sau một tên đi lộn lại về lối đường mòn và biến mất trong bóng đêm.

Với kinh nghiệm trong đời lính tác chiến, chúng tôi hiểu tên đi ngược trở về là để báo cho toán sau biết tình hình, và hướng dẫn, hố tống nhóm chính vào chùa.

Quả đúng như chúng tôi tiên liệu, khoảng 10 phút sau, 7 tên Việt Cộng xuất hiện ngay cuối sân chùa. Rất nhanh, tôi nhẹ nhàng làm thủ lệnh cho Trung sĩ Ánh và tôi tác xạ vào mục tiêu 7 tên Việt Cộng, 2 anh em kia trong toán tác xạ vào 2 tên đang đứng gác cuối sân chùa. Nhẹ nhàng mở khóa an toàn, một ,hai, ba... Bốn loạt đạn M16 nổ chát chúa vào đám Việt Cộng, hai tổ sau cũng rất nhanh đồng loạt khai hoả.

Xuan xua Tet nay voi nhung tro choi dan gian co truyen

Muc luc